Từ 10/3, hãng xe công nghệ Grab áp dụng tăng giá cước mới. Theo đó, đối với 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP.HCM tăng từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng, xe 7 chỗ từ 32.000 đồng lên 34.000 đồng (tăng 2.000 đồng). Mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này là 10.000 đồng (tăng thêm 500 đồng). Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000 - 2.500 đồng cho 2km đầu tiên và tăng khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.
Với dịch vụ GrabBike tại Hà Nội, giá 2km đầu tiên tăng lên 13.500 đồng (tăng 1.500 đồng), mỗi km sau đó là 4.300 đồng (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP.HCM cũng tăng lên 12.500 cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT tại TP.HCM những ngày vừa qua sau khi Grab tăng giá cước lượng hành khách đi xe giảm rất nhiều hoặc chuyển qua đi các hãng xe khác khiến thu nhập của tài xế giảm đáng kể. Đáng nói là nhiều tài xế đã rủ nhau tắt app không nhận cuốc xe với mong muốn gây áp lực để Grab xem xét điều chỉnh chính sách giảm chiết khấu, chia sẻ với anh em tài xế trong giai đoạn khó khăn này.
Chạy xe GrabCar được gần 4 năm, anh Nguyễn Văn Th. (ngụ tại Quận 3, TP.HCM) than ngắn thở dài: “Chưa có khi nào mà khó khăn như lúc này. Xăng tăng giá, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khách đi xe vắng mà hãng xe lại không giảm chiết khấu hỗ trợ cho anh em tài xế. Có khi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ vẫn chưa có cuốc xe nào".
"Tôi chạy xe từ 8h sáng đến 22h đêm, trừ tiền xăng, chiết khấu cho hãng thì chỉ còn 400.000 đồng, trừ tiếp tiền khấu hao xe thì không có lãi. Cuốc xe giảm, thu nhập thấp, đặc biệt là Grab không còn áp dụng chính sách ưu tiên cho tài xế chạy đạt hạng bạch kim (hiện Grab “cào bằng” hạng bạch kim, vàng, bạc) khiến thành viên nào cũng đều như nhau nên nhiều tài xế bất bình đã chuyển qua chạy cho các hãng xe khác", anh Th. nói thêm.
Đồng quan điểm, tài xế Phạm Tiến Dũng (ngụ tại Quận 7, TP.HCM) chạy GrabCar được hơn 3 năm chia sẻ: “Dịch bệnh khó khăn, Grab tăng giá cước, khách đi xe giảm đáng kể nên đa số tài xế xe 4 chỗ chủ yếu chỉ chạy vào cuối tuần mới có khách. Chạy một ngày khoảng 10 tiếng, nếu có cuốc xe đi xa, trừ chi phí thu nhập mới được 500.000, nếu hôm nào toàn cuốc ngắn thì tiền lại ít hơn”.
Theo anh Dũng, tài xế bất mãn, kiến nghị rất nhiều nhưng hãng xe không hề có sự điều chỉnh, thay đổi nào. Trước đây, Grab độc quyền xe công nghệ tại thị trường Việt Nam, nhiều chính sách áp dụng có lợi cho hãng, tài xế biết nhưng vẫn đành ngậm ngùi chịu thiệt thòi. Giờ đây, nhiều hãng xe công nghệ ra đời, anh em tài xế và hành khách có nhiều lựa chọn, bên nào quan tâm đến đối tác tài xế, có chương trình điểm thưởng, chiết khấu phù hợp thì họ sẽ qua làm.
Ngồi chờ dài xem điện thoại mà app vẫn chưa "nổ" cuốc, anh Trần Văn N. - một tài xế Grab bức xúc: “Tất cả mọi người đều bị giảm thu nhập nhưng Grab vẫn chưa có ý thức giảm chiết khấu chia sẻ với anh em tài xế. Nếu không giảm chiết khấu thì cũng nên có chương trình thưởng để bù đắp, tạo động lực cho anh em thêm thu nhập. Thế nhưng, hiện nay các chương trình điểm thưởng của Grab đưa ra cho có, chứ để lấy tiền được của hãng rất khó. Họ đưa ra mức “thưởng ngọc” trong ngày tới 310.000 đồng nhưng không tài xế nào đạt được, có chăng người nào chăm chạy cũng đạt được mức 1 là 50.000 đồng”.
"Việc tăng giá cước ảnh hưởng đến nhu cầu đi xe của hành khách, vì giá cao gần bằng giá cước taxi truyền thống. Nếu cứ tăng giá kiểu này thì không còn khách mà chạy, mất hết khách cho taxi truyền thống và các ứng dụng khác. Tôi nghĩ tốt nhất là hãng nên giảm chiết khấu khi xăng tăng giá để tài xế có thêm thu nhập. Nếu trong giai đoạn khách đi đều, mức chiết khấu như hiện tại thì tài xế vẫn chấp nhận chạy được, còn với giai đoạn hiện nay ngồi chờ cuốc nhiều hơn thời gian chạy mà mức chiết khấu thu 31,5% thì quá cao", anh N. kiến nghị.
Vắng khách đi xe, thu nhập giảm nên anh Lê Hoàng Thiện chạy xe GrabBike chỉ dám mua ổ bánh mì ăn trưa bên lề đường. Anh tâm sự: “Chạy xe từ 7h sáng đến 18h tối, trừ tiền xăng, tiền chiết khấu cho hãng thì chỉ còn 250.000 đồng. Nhiều khi cuốc xe đặt hơn 1 km có hơn 15.000 đồng, nếu vào giờ cao điểm kẹt xe là không đủ tiền xăng. Mấy hôm nay tài xế rủ nhau tắt app nghỉ chạy bởi xăng tăng giá, không có khách và cũng để gây áp lực cho hãng xe giảm mức chiết khấu nên ngoài đường xe Grab ít hơn các hãng khác".
Trước những bức xúc của tài xế, trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện truyền thông của Grab lý giải, việc tăng giá cước là để bù đắp một phần chi phí vận hành và khuyến khích tài xế tích cực làm việc tăng thu nhập. Về kiến nghị của tài xế giảm chiết khấu, tăng chương trình thưởng thì Grab lại từ chối trả lời.
Đi ngược lại với chính sách tăng giá cước của hãng xe công nghệ Grab, ngày 17/3, Công ty CP Be Group (đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe công nghệ Be) đã áp dụng chính sách hỗ trợ giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế BeCar thân thiết tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập lên đến 2 triệu đồng/tuần cho các tài xế của Be nói chung. Việc giảm chiết khấu với tài xế và không tăng giá cước là nỗ lực của hãng xe, nhằm san sẻ với đối tác, khách hàng trong bối cảnh chi phí xăng dầu tăng vọt trong thời gian qua. Về phía khách hàng, hãng xe này quyết định không tăng giá tất cả dịch vụ, gồm gọi xe 2 bánh, gọi xe 4 bánh, giao hàng, đi chợ hộ… và mới nhất là dịch vụ giao thức ăn vừa ra mắt, để góp phần chung tay bình ổn giá, hỗ trợ khách hàng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.