Bị vắt kiệt sức lực
Davinder Singh, 29 tuổi, đã có 10 năm lái xe tải đi khắp 16 bang ở Ấn Độ. Trong suốt khoảng thời gian hành nghề của mình, không ít lần Singh phải lái xe liên tục nhiều ngày không nghỉ để nhận được tiền thưởng.
Khoe với PV, Singh cho biết, lần kỷ lục nhất của anh là từng lái xe không nghỉ trong suốt ba ngày. Chỉ khi buồn ngủ không chịu được nữa anh mới chợp mắt một lúc, thường là từ 2h-5h sáng.
Singh nằm trong số 9 triệu tài xế xe tải đang tham gia vận tải hàng hóa trên mạng lưới giao thông Ấn Độ. Theo khảo sát kinh tế năm 2018-2019, xe tải chiếm 69% lưu lượng vận tải hàng hóa trên toàn Ấn Độ và đóng góp khoảng 3,06% vào tổng giá trị gia tăng.
Thế nhưng, có một mặt trái đáng buồn là nhiều tài xế xe tải như Singh đang bị vắt kiệt sức lực. Theo một nghiên cứu năm 2018 do hãng dầu nhớt Castrol thực hiện trên 1.000 tài xế trong vòng 1 tháng cho thấy, 1/4 tài xế xe tải phàn nàn về tình trạng thiếu ngủ. Có tới 53% tài xế phản ánh về các vấn đề sức khỏe và tâm lý như: mệt mỏi, mất ngủ, béo phì, đau lưng, đau khớp và cổ, thị lực kém, khó thở, căng thẳng và cô đơn.
Theo các chuyên gia, lịch trình căng như dây đàn và tình trạng sức khỏe kém của tài xế là lý do dẫn đến tỷ lệ TNGT chết người liên quan đến xe tải luôn nằm ở mức cao. Theo báo cáo tai nạn đường bộ ở Ấn Độ năm 2018 do Bộ Giao thông, Vận tải và Đường cao tốc công bố, xe tải xếp thứ 3 trong nhóm các phương tiện liên quan đến những rủi ro trên đường (12,3%) và những trường hợp tử vong do TNGT đường bộ (15,8%).
Ở các quốc gia phát triển như Úc, tài xế xe tải có thể lái xe liên tục tối đa 12 giờ, với điều kiện phải nghỉ nửa giờ sau mỗi 5 giờ lái xe và nghỉ ít nhất 6 tiếng trước khi đi chuyến tiếp theo. Tại Canada quy định giới hạn 13 giờ lái xe liên tục, với điều kiện phải nghỉ 15 phút sau mỗi hai tiếng và nghỉ ngơi ít nhất 8 tiếng liên tục trước chuyến tiếp theo. Tuy nhiên, ở Ấn Độ hiện vẫn chưa có nhiều quy định liên quan đến đào tạo, giờ làm việc hoặc kiểm tra thị lực định kỳ cho tài xế xe tải thương mại.
Bất chấp để được tiền thưởng
Ông Jatin Tiwari, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Bảo vệ Thị lực Ấn Độ, một tổ chức phi chính phủ tại Mumbai, cho biết, hầu hết những người lái xe tải có tình trạng sức khỏe tồi tệ là vì họ không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc nhiều giờ để trang trải cuộc sống. "Thu nhập của các tài xế dao động từ 21.000 đến 24.000 (6,3 - 7,2 triệu đồng)/tháng, không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Có tới 95% hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ là tự phát, không liên kết với bất kỳ công ty sở hữu đội xe nào nên hiện tồn tại một số lượng rất lớn tài xế xe tải không được tiếp cận với bảo hiểm sức khỏe.
Ông Tiwari cho biết thêm, nhiều tài xế xe tải đã lao vào nghề từ khi còn nhỏ tuổi với công việc vệ sinh xe và học hỏi những thứ cơ bản. "Đó là một cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tuy không đến mức nghèo khổ nhưng đang phải làm việc trong điều kiện rất tồi tệ không khác gì người nghèo."
Chia sẻ với PV, nhiều tài xế và các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu cho những vụ xe tải gây tai nạn chết người là: chở quá tải, làm việc quá sức, mất ngủ, sức khỏe kém và đặc biệt là vấn đề về thị lực. Các chuyên gia đều khẳng định chở quá tải tác động đến trọng tâm của chiếc xe, từ đó tác động đến chuyển động vật lý của nó. Việc chở quá tải sẽ làm giảm tác dụng phanh xe tải. Để hạn chế quá tải, tiền phạt đưa ra cần phải nhiều hơn lợi nhuận thu được do chở quá tải để mang tính răn đe.
Trả lời PV, các tài xế xe tải cho biết, việc chở quá tải, chạy quá tốc độ và làm việc quá sức xuất phát từ các biện pháp khuyến khích của chủ hàng. Tài xế Ejaz Ahmed tiết lộ: "Chẳng hạn một đơn hàng chuyển phát nhanh muốn chúng tôi giao trong 65 giờ. Nếu giao đúng giờ, tôi sẽ nhận được tiền thưởng 1.000-2.000 Rs (302 - 605 nghìn đồng), nhưng nếu đến muộn hơn 2 tiếng, bạn sẽ bị phạt 200 Rs (60,5 nghìn) cho mỗi giờ chậm trễ."
Kết quả khảo sát của Castrol Ấn Độ còn cho thấy, khoảng 48% trong số đối tượng khảo sát cho biết đã thực hiện trung bình 12 chuyến đi/tháng và hơn một nửa trong số chuyến kéo dài hơn 12 giờ. Khoảng 63% tài xế cho biết họ lái xe hơn 8 giờ mỗi ngày. Trong khi đó, 56% tài xế nghỉ một hoặc hai lần ngắn, 78% nghỉ một hoặc hai lần dài. Khảo sát cũng cho thấy, khoảng 5% tài xế xe tải tiếp tục hành trình mà không cần nghỉ ngơi và 6% không nghỉ dài ngày.
Không có bảo hiểm, có bệnh nhưng không dám chữa
Tổ chức Bảo vệ Thị lực Ấn Độ cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát năm 2017 trên 137 tài xế. 93,2% tài xế được hỏi cảm thấy cần phải kiểm tra thị lực. Trong số này, 42,2% phản ánh về các vấn đề thị lực khi lái xe, đọc địa chỉ khi đang di chuyển, phán đoán độ cao và khoảng cách. Có tới 64% tài xế không tìm cách khắc phục những vấn đề thị lực. Tổ chức đã tặng kính miễn phí cho 7.605 tài xế xe tải bị tật khúc xạ chưa được điều trị nhưng một cuộc khảo sát khác sau đó cho thấy 39% tài xế đã ngừng sử dụng kính.
"Các tài xế thường không muốn bị bắt gặp đeo kính vì điều này ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền của họ." - Tiwari cho biết, việc lái xe ban đêm, tiếp xúc với đèn pha cường độ chiếu sáng cao cũng như điều kiện khí hậu có xu hướng làm hỏng thị lực của tài xế.
Tài xế Davinder Singh cho biết, năm 2016, anh đã bị chấn thương lưng sau khi ngã từ trên xe xuống lúc đang tháo tấm bạt che. Chấn thương khiến anh phải nghỉ việc một tháng và hiện tại rất khó nâng vật nặng. Anh không có thời gian để đi kiểm tra sức khỏe nên chỉ mang theo một vài loại thuốc thiết yếu bên mình.
Khảo sát của Castrol cho biết 67% tài xế xe tải cho biết họ chỉ đến gặp bác sĩ khi gặp tai nạn. 36% không có bảo hiểm nhân thọ và 32% cho rằng họ không cần bảo hiểm đó.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.