Tài xế xe ưu tiên có được miễn trách nhiệm nếu gây tai nạn?

Hỏi đáp 22/03/2018 05:57

Theo luật sư Vũ, dù được quyền ưu tiên khi đi đường, nhưng tài xế xe ưu tiên cũng phải đảm bảo an toàn cho những phương tiện khác.

 

Tài xế xe ưu tiên có được miễn trách n
Xe ưu tiên phải chịu trách nhiệm về tai nạn hoặc va chạm nếu điều khiển thiếu trách nhiệm. Ảnh minh họa: Drew Geddes

Luật sư Kiều Anh Vũ (Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, TP HCM) cho biết theo điều 22 của Bộ luật Giao thông Đường bộ, xe ưu tiên (trong đó xe cứu hỏa) đang đi làm nhiệm vụ có quyền đi ngược chiều, đồng thời phải phát tín hiệu cảnh báo như còi, đèn, cờ theo quy định. Ngoài ra, khoản 5 điều 4 của luật cũng quy định nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ như sau: Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.

“Vì vậy, tuy có quyền đi ngược chiều nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh mà tài xế xe ưu tiên phải cân nhắc để xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn cho chính họ và các phương tiện khác”, luật sư Vũ giải thích thêm.

Theo luật sư Vũ, khi xử lý tai nạn giao thông, nhà chức trách trước hết phải xem xét trách nhiệm dân sự giữa các bên liên quan. Nếu vụ tai nạn có yếu tố vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự những người liên quan.

photo-1-152145039091139530281

Mỹ, Anh quy định quyền với xe ưu tiên như thế nào?

Trang Accident Claim Solicitors (Anh) đưa tin, nếu xe ưu tiên (xe của cảnh sát, lực lượng cứu hỏa, dịch vụ cứu thương) không trong tình huống khẩn cấp thì phải tuân thủ luật giao thông đường bộ và quy định về đèn giao thông như mọi phương tiện hoặc người tham gia giao thông khác. Chẳng hạn, khi đèn giao thông màu đỏ hoặc chuyển sang vàng, tất cả phương tiện phải dừng trước vạch kẻ đường, bao gồm cả xe ưu tiên.

Trong tình huống khẩn cấp, xe ưu tiên được phép vượt đèn đỏ nếu việc đi chậm hoặc dừng lại đồng nghĩa với cản trở khả năng xử lý tình huống kịp thời. Tuy nhiên, tài xế chỉ có thể làm điều này sau khi hú còi và nháy đèn báo hiệu để cảnh báo những người khác. 

Xe ưu tiên phải tuân thủ giới hạn tốc độ khi không trong tình huống khẩn cấp. Khi cần thực hiện nhiệm vụ, xe sẽ phải tăng tốc để có mặt ở điểm đến càng sớm càng tốt mà không bị truy cứu về việc vượt quá giới hạn. Nhưng ngay cả khi được phép chạy nhanh, tài xế vẫn phải giữ tốc độ trong tầm kiểm soát. 

Trong bất kể tình huống khẩn cấp nào, người lái xe ưu tiên phải tính đến sự an toàn của tất cả những người đi đường hoặc người đi bộ đang băng qua đường. Nói cách khác, các xe này có quyền ưu tiên nhưng phải cố gắng tránh gây tai nạn.

Người tham gia giao thông có trách nhiệm lắng nghe và quan sát các phương tiện ưu tiên để nhường chỗ trong tình huống cần thiết, bao gồm lách sang bên đường để dành chỗ trống cho xe ưu tiên vượt đèn đỏ. Nếu không, họ có thể phải chịu trách nhiệm với tai nạn giao thông liên quan đến xe ưu tiên.

Những trường hợp xe cảnh sát, xe cứu hỏa hay dịch vụ cứu thương phải chịu trách nhiệm về tai nạn hoặc va chạm: 

- Xe ưu tiên không nháy đèn hoặc hú còi để thông báo về sự xuất hiện của mình.

- Xe ưu tiên không tuân thủ luật đường bộ và quy định đèn giao thông dù không đang làm nhiệm vụ khẩn cấp.

- Xe ưu tiên không chú ý đến sự an toàn của người tham gia giao thông.

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong mỗi vụ tai nạn cụ thể, khoản bồi thường do lỗi  của xe ưu tiên gây ra có thể sẽ được giảm bớt như người tham gia giao thông không chú ý quan sát sự xuất hiện của xe ưu tiên. Ngược lại, nhân viên cảnh sát, cứu hỏa hay cứu thương có thể đòi bồi thường khi tai nạn gây ra không phải lỗi của họ và các biện pháp phòng tránh tai nạn thích hợp đã được thực hiện.

Những ai là hành khách liên quan đến vụ tai nạn đều có quyền yêu cầu bồi thường, dù trách nhiệm thuộc về xe ưu tiên hay bên còn lại.

Trang Kimmel Carter cũng chỉ ra tài xế xe ưu tiên ở Mỹ phải lái xe một cách có trách nhiệm, dù không phải tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông tiêu chuẩn. Trong khi xe ưu tiên đang trên đường làm nhiệm vụ, người dân phải hợp tác hết sức bằng cách lách qua một bên để tạo lối đi rõ ràng cho xe đi qua. 

Số liệu từ Cơ quan An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) cho thấy tai nạn xe là nguyên nhân thứ hai gây tử vong đối với các nhân viên cứu hỏa khi đi làm nhiệm vụ. Giai đoạn 2000-2009, xe cứu hỏa liên quan đến 31.600 vụ va chạm, 70% trong số đó xảy ra khi ứng phó với sự cố khẩn cấp.

Trung bình 2.600 người bị thương hàng năm trong các vụ tai nạn liên quan đến xe cứu thương. Trong khi đó, khoảng 300 vụ đuổi bắt của xe tuần tra cảnh sát gây chết người mỗi năm. 

Hầu hết tài xế xe ưu tiên được huấn luyện cách giữ an toàn khi lái ở tốc độ cao để kịp đến hiện trường tai nạn hay vụ cháy. Tuy nhiên, xe ưu tiên vẫn có thể phải chịu trách nhiệm nếu gây ra tai nạn khi đang làm nhiệm vụ.

Dưới đây là một số ví dụ về sơ suất của xe ưu tiên:

- Sử dụng sai hoặc không sử dụng còi và đèn báo hiệu khi cần di chuyển bất thường qua giao lộ hoặc vượt các phương tiện khác.

- Tăng tốc khi đi qua ngã ba, ngã tư… một cách thiếu cẩn trọng.

- Rẽ, ngoặt, đổi hướng xe ở tốc độ cao.

- Cố di chuyển qua không gian quá hẹp khi đang chạy nhanh.

Luật giao thông của mỗi bang ở Mỹ có thể không giống nhau. Chẳng hạn, theo trang Tork Law, bang California quy định nếu tài xế xe công lái cẩu thả, cơ quan thuê người đó phải chịu trách nhiệm về tất cả thiệt hại do tai nạn gây ra, gồm chi phí y tế, thu nhập mà nạn nhân không thể nhận do nghỉ làm vì thương tích… Cơ quan này còn có thể phải chịu bồi thường tài chính cho vụ tai nạn ngay cả khi luật cho phép miễn trừ trách nhiệm pháp lý của tài xế.

Luật cũng làm giảm trách nhiệm của tài xế khi gây ra tai nạn khi đang làm nhiệm vụ, nhưng họ có thể phải chịu trách nhiệm về việc điều khiển thiếu cẩn trọng khi quay trở lại từ một vụ cháy hoặc hiện trường tai nạn.

Ý kiến của bạn

Bình luận