Tầng hầm đỗ xe - Giải pháp cho giao thông tĩnh?

Ý kiến phản biện 24/09/2017 06:40

Cuối tháng 8-2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận và thống nhất nội dung để Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội ban hành tài liệu “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội” nhằm bổ sung diện tích đỗ xe công cộng. Đây được xem là giải pháp tích cực, từng bước góp phần xóa tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ xe, dành không gian mặt đất cho các nhu cầu công cộng của người dân.

 

Tầng hầm đỗ xe - Giải pháp cho giao thông tĩnh
Hà Nội khuyến khích các công trình xây dựng tầng hầm làm bãi để xe. Ảnh: Anh Tuấn

Thiếu điểm đỗ, xe để tràn dưới lòng đường

Dạo qua một số tuyến phố trung tâm Hà Nội như Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Bà Triệu, Giải Phóng... nơi tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, nhà hàng, bệnh viện mới thấy nhu cầu điểm đỗ xe ô tô là rất lớn. Do vị trí được cấp phép ít nên bất kể thời điểm nào đều có thể gặp xe ô tô dừng đỗ sai quy định. Anh Nguyễn Chí Dũng (ở phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Cách đây 2 tháng, anh đưa mẹ vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai mới thấy việc tìm được điểm đỗ xe ô tô vô cùng nan giải. Đầu giờ sáng mà hai bãi xe đã đặc kín, đành phải vòng sang Bệnh viện Da liễu gửi xe. Do đó, nếu bệnh viện làm được tầng hầm để xe sẽ góp phần quan trọng giải quyết bài toán nan giải này”.

Anh Dũng cũng phản ánh, cổng Bệnh viện Bạch Mai (đoạn ra đường Giải Phóng) thường xuyên lâm vào cảnh ùn tắc do lượng phương tiện ra - vào lớn, lại không có điểm dừng đỗ, còn xe taxi thì lượn lờ tìm đón khách khiến cho bảo vệ bệnh viện và cả lực lượng công an cũng bất lực trước tình trạng xe ô tô dừng hàng 2, hàng 3, cản trở phương tiện khác lưu thông. Giờ cao điểm, ùn tắc kéo dài từ ngã ba Phương Mai - Giải Phóng đến quá cổng Bệnh viện Bạch Mai.

Tương tự, tình trạng thiếu điểm đỗ xe cũng xảy ra ở nhiều khu đô thị mới. Chị Nguyễn Thúy Hường, nhà ở chung cư NƠ4 Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) cho biết, tất cả các chung cư ở đây đều không có tầng hầm để xe, nên toàn bộ ô tô đều để trên vỉa hè và lòng đường. “Mật độ dân cư đông, lưu lượng phương tiện lớn nên hạ tầng quá tải” - chị Hường nói.

Rõ ràng, Hà Nội đang thiếu điểm đỗ xe trầm trọng. Ước tính diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của thành phố hiện mới đáp ứng được từ 8 đến 10% nhu cầu đỗ xe, 90 - 92% số phương tiện đang phải đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè. Nhiều điểm đỗ xe tự phát, không được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Công trình cao tầng phải có hầm để xe

Theo đó, về nguyên tắc, các công trình xây dựng phải bảo đảm diện tích đỗ xe bản thân theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy định có liên quan của Bộ Xây dựng, đồng thời nghiên cứu bố trí diện tích đỗ xe công cộng của khu vực tùy theo tính chất dự án, quy mô, vị trí xây dựng công trình, nhằm tăng cường diện tích đỗ xe cho thành phố.

Tài liệu của Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng hướng dẫn các dự án nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm là các chung cư cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, tái định cư... Với các công trình phục vụ an ninh quốc phòng, cơ quan Đảng, cơ quan Chính phủ, trụ sở bộ, ngành... thì khuyến khích bổ sung diện tích tầng hầm. Việc xác định quy mô diện tích tầng hầm đỗ xe được tính trên cơ sở tỷ lệ với diện tích sàn công trình, trong trường hợp mở rộng diện tích tầng hầm so với diện tích xây dựng công trình hoặc áp dụng công nghệ đỗ xe thông minh thì phải bảo đảm đúng tỷ trọng hoặc quy mô diện tích (không phụ thuộc số tầng hầm).

Với các công trình xây dựng mới, việc tính toán xác định dựa theo khu vực. Cụ thể, với khu vực nội đô lịch sử (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm), cứ 100m2 sàn sử dụng các công trình công cộng thì phải có 37m2 đỗ xe; 100m2 sàn sử dụng công trình hỗn hợp thì phải có 34m2 chỗ đỗ xe. Với đất ở, cứ 100m2 sàn sử dụng cần có 31m2 chỗ đỗ xe. Còn khu vực nội đô mở rộng (các quận còn lại) và phát triển mới thì 100m2 sàn sử dụng công trình công cộng cần có 30m2 chỗ đỗ xe; tỷ lệ này với công trình hỗn hợp là 19% và đất ở là 17%...

Bình luận về điều này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, chủ trương các công trình cao tầng phải thiết kế tầng hầm đỗ xe hợp lý là điều rất cần thiết. Dĩ nhiên, tùy từng khu vực để quy định 1 hay 2, 3 tầng hầm nhằm phù hợp với bài toán đầu tư. Đây chính là giải pháp quan trọng nhằm chấn chỉnh tình trạng đỗ xe bừa bãi, chủ đầu tư hưởng lợi từ việc khai thác tòa nhà, biến diện tích hè, đường thành nơi đỗ xe, dẫn đến ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị.

“Riêng khu đô thị mới dứt khoát phải có tầng hầm. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, chúng ta đang xây dựng loại hình nhà ở xã hội (với giá bán mong muốn thậm chí là 8 triệu đồng/m2). Do đó, việc xây thêm tầng hầm có thể khiến dự án bị tăng kinh phí, người mua nhà phải “gánh” trong giá bán” - KTS Phạm Thanh Tùng băn khoăn.

Ý kiến của bạn

Bình luận