Tăng mức xử phạt giao thông đường bộ

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/06/2016 15:51

Nghị định số 46 khi được triển khai, thực hiện sẽ có những thay đổi, bổ sung các hành vi và tăng mức xử phạt giao thông đường bộ.

h1
Hội triển khai Nghị định số 46 tại TP.HCM.

Ngày 22/6 tại TP.HCM, Tổng Cục đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt.

Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam chủ trì hội nghị cùng các lực lượng thanh tra giao thông, Sở GTVT, các doanh nghiệp vận tải 22 tỉnh thành phía Nam tham dự. Nghị định 46/2016/NĐ-CP gồm 5 chương và 82 điều (tăng 4 điều so với Nghị định số 171) quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi thực hiện đồng thời bổ sung đầy đủ hành vi vi phạm và sửa đổi một số nội dung phù hợp với quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt đáp ứng yêu cầu thực tiễn khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 171 và 107.

Phát biểu tại hội nghị, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết: “Trên lĩnh vực ATGT đường bộ trong 10 năm qua đã có 8 Nghị định, theo nhu cầu thực tiễn một số vấn đề bảo vệ kết cấu hạ tầng và các chế tài chưa phù hợp trong khi thực tế ATGT luôn có sự biến động, luật pháp có những đổi mới nên việc ban hành, triển khai Nghị định số 46 sẽ đủ chế tài, các biện pháp xử phạt răn đe các hành vi vi phạm và đúng với nhu cầu thực tiễn hiện nay”.

h2
Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Vũ Đỗ Anh Dũng chủ trì hội nghị.

Nghị định 46 có những sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm. Bổ sung quy định xử phạt đối với 33 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định hiện hành để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Nghị định cũng bổ sung thêm một số hành vi như:  Thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ (khoản 5 Điều 11). Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe (điểm d khoản 4, điểm i khoản 5 Điều 12). Để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu phí (khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 15). Một số hành vi trong quản lý vận tải như không niêm yết..., không thông báo các nội dung hợp đồng vận chuyển khách, không khám sức khỏe định kỳ, sử dụng 02 hợp đồng trở lên 1 chuyến xe hợp đồng... (Điều 28). Xử phạt liên quan giấy phép lái xe quốc tế. Các hành vi như dùng tay sử dụng điện thoại di động, không thắt dây an toàn tại các vị trí có dây...

Đồng thời Nghị định cũng bỏ bớt một số hành vi như: Hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường (tại Khoản 3. Điều 26.  Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải nguy hại hoặc có chứa chất phóng xạ không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường).

Đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của tài xế ôtô từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.

Đối với người điểu khiển môtô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt tăng: Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng. Với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt 500.000-1.000.000 đồng và bổ sung việc tước giấy phép lái xe từ 1-2 tháng thay vì mức 200.000-400.000 đồng trước đây.

h3
Ông Nguyễn Văn Khoái, Phó đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 (Sở GTVT TP.HCM) phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị ông Nguyễn Văn Khoái, Phó đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 (Thuộc Thanh tra GTVT TP.HCM) thắc mắc: “Để có sự thống nhất chung trong việc xử lý của các địa phương tôi xin đặt câu hỏi, khi ô tô xếp hàng hóa trong cảng có dấu hiệu vi phạm lực lượng thanh tra được tiến hành kiểm tra lập biên bản chưa hay phải chờ ra khỏi cổng?

Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho biết: “Địa phận trong cảng đã quy định và phân biệt rõ ràng nên các cảng vụ có trách nhiệm thanh, kiểm tra nếu có sai phạm sẽ tiến hành xử phạt. Còn khi ra ngoài cổng ngoài khu vực cảng, lực lượng thanh tra sẽ dựa vào sổ xuất hàng để xử phạt”.

Nghị định 46 cũng tăng mức xử phạt một số hành vi về kết cấu hạ tầng đường bộ như: Xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị phạt từ 2-3/cá nhân lên thành 15-20/cá nhân (điểm a K8,Đ12). Xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường trong đô thị cá nhân 5-7 triệu/cá nhân lên thành 15-20/cá nhân.

Tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Các hành vi tuyển sinh, đào tạo không đúng hạng; không có giấy phép; cấp chứng chỉ sai; không đúng nội dung, giáo trình; trung tâm không đủ đk, trung tâm sát hạch: từ 5-10 triệu lên 10-15 triệu (Điều 37). Hành vi của trung tâm sát hạch tự ý thay đổi phần mềm hoặc sử dụng phần mềm, thiết bị chấm điểm, chủng loại xe chưa được chấp thuận: từ 5-10 triệu lên 15-20 triệu. Tước giấy phép 2-4 tháng.

Tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định. Kiểm định khi tình trạng thiết bị, dụng cụ kiểm định chưa được xác nhận hoặc xác nhận không còn hiệu lực để bảo đảm tính chính xác theo quy định; không đảm bảo chính xác. Không thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát quá trình kiểm định, kết quả kiểm định theo quy định (tăng từ 5-7 lên 8-12 triệu).

Ý kiến của bạn

Bình luận