Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự Công an huyện Hà Quảng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Báo Cao Bằng. |
Giảm sâu 2 tiêu chí
Trong Quý I vừa qua, tình hình TTATGT tiếp tục có những chuyển biến nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các giải pháp về pháp luật được áp dụng như Luật Phòng, chống tác rượu bia và Nghị định 100/2019 đã kéo giảm hiệu quả TNGT.
Mặc dù đây cũng là thời điểm xảy ra đại dịch toàn cầu Covid-19 khiến người dân hạn chế ra đường, giao thông giảm áp lực đáng kể, nhưng TTATGT vẫn diễn biến phức tạp và TNGT vẫn xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng. Trong đó, có tới 16 tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao.
Là một trong 7 địa phương có số người chết do TNGT tăng trên 20% trong Quý I, tỉnh Cao Bằng xảy ra 24 vụ TNGT đường bộ, làm chết 14 người, bị thương 27 người, ước tính tài sản thiệt hại gần 604 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 7 vụ (-22,6%), tăng 3 người chết (27,3%), giảm 8 người bị thương (-22,9%).
Hiện trường vụ va chạm giữa xe khách và xe tải trên Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng ngày 2/3. Ảnh: Báo Cao Bằng. |
Lý giải với Tạp chí GTVT về việc tăng số người thiệt mạng do TNGT, ông Đàm Đức Văn – Phó Giám đốc Sở GTVT, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cao bằng cho biết, số vụ TNGT và số người bị thương do TNGT trong Quý I đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số người chết lại tăng với nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức tự giác tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông.
Thực tế trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, xã hội tồn tại tâm lý cho rằng lực lượng chức năng tập trung chống dịch bênh, giảm tuần tra, xử phạt nên nhiều người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, lơ là, vi phạm quy định về tốc độ, phần đường, làn đường, lái xe vượt đèn đỏ,…
Trước thời điểm Quý I năm nay, năm 2019 tỉnh Cao Bằng là một trong 22 địa phương giảm số người chết do TNGT trên 10% so với năm 2018. Còn tính từ đầu năm đến hết tháng 4, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ TNGT khiến 16 người chết và 32 người bị thương. So sánh với 4 tháng đầu năm 2019, TNGT giảm 8 vụ (-22,2%); số người chết không tăng, không giảm; giảm 10 người bị thương (-23,8%).
Như vậy, trong tháng 4, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, TNGT được kéo giảm rất sâu đối với 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương. Riêng tiêu chí về số người chết, trong tháng 4 có 2 người thiệt mạng, giảm 2 người chết so với tháng 3 (-50%). Lũy kế từ đầu năm tới nay, số người chết do TNGT không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nâng cao hiệu quả
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Đàm Đức Văn, Cao Bằng là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết về pháp luật TTATGT trong một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, nên có những hành vi tùy tiện khi tham gia giao thông,… Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt, nhắc nhở răn đe chỉ có mức độ nhất định do lực lượng chức năng có hạn trong khi địa bàn mạng lưới giao thông rộng lớn đặc biệt là đặc thù miền núi, đèo dốc, sương mù, tầm nhìn hạn chế,...
Ban ATGT tỉnh Cao Bằng đã có kiến nghị với Ủy ban ATGT Quốc gia tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4/1/2016 của Bộ Công an về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo hướng cho phép Công an cấp huyện được phép kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT trên các tuyến quốc lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp huyện phù hợp với đặc thù của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ có các trục quốc lộ đi qua địa bàn.
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn lập biên bản đối với người vi phạm TTATGT. |
Tương tự như Cao Bằng, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Kạn cho biết, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng chức năng tuy đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhưng việc “bám”, “nắm”, phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp công tác giữa các đơn vị chưa được duy trì thường xuyên. Việc phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT giữa một số đơn vị, địa phương chưa được duy trì thường xuyên nên tình hình TTATGT ở một số địa phương có lúc diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền tại một số đơn vị, địa phương trậm triển khai so với yêu cầu. Ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng nhiều phụ huynh giao phương tiện cho con điều khiển xe mô tô tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi.
Chánh văn phòng Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm, trong Quý II, trong nỗ lực tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ trong công tác đảm bảo TTATGT, tỉnh Bắc Kạn sẽ mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong dịp Lễ 30/4 và 01/5, kỳ thi tốt nghiệp PTTH và tuyển sinh đại học, cao đẳng..., trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vừa phải đảm bảo yêu cầu bảo đảm TTATGT,vừa phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19,…
Lực lượng CSGT, Công an tỉnh Bắc Kạn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo TTATGT. |
Bên cạnh đó, sẽ tập trung triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về TTATGT trong điều kiện có dịch bệnh Covid-19. Ban ATGT tỉnh Bắc Kạn sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, tập trung kiểm tra trên các tuyến đường tỉnh, liên xã, liên huyện, đường thủy nội địa... đảm bảo không để trống địa bàn, đặc biệt tăng cường lực lượng tuần tra trên những tuyến, địa bàn xẩy ra tại nạn giao thông trong Quý I. Đồng thời phối hợp với các đơn vị của nghành GTVT ngăn chặn, xử lý các vi phạm về hành lang đường bộ ngay từ khi mới phát sinh, chủ động ứng trực đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bão lũ, thực hiện nghiêm hoạt động kiểm soát tải trọng xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.