Tạo công bằng về thuế giữa Uber, Grab và taxi truyền thống

Ý kiến phản biện 11/03/2018 15:44

Thời gian qua, công tác quản lý cũng như chính sách thuế đối với xe sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua phần mềm gọi xe như Uber, Grab luôn được dư luận quan tâm.

 

ttxvn_grab180306
Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cắm trên các tuyến phố. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Vậy giải pháp nào định hướng chính sách thuế đối với loại hình này để đảm bảo sự công bằng giữa Uber, Grab và taxi truyền thống?

Xoay quanh vấn đề này, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính).

- Bộ Tài chính đã thống nhất nguyên tắc tính thuế với Gra​b, Uber chưa và hiện các hình thức vận tải như Uber, Grab đã đóng các loại thuế gì, thưa ông?

Ông Lưu Đức Huy: Chính sách thuế có quy định đầy đủ với doanh nghiệp. Cụ thể, một doanh nghiệp phải đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo luật thuế giá trị gia tăng thì có hai phương pháp tính thuế. Đó là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính thuế trực tiếp.

Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện khấu trừ thì có hai mức thuế suất lần lượt là 5% và 10%. Mức 5% của luật thuế giá trị gia tăng là áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu, còn đối với mặt hàng kinh doanh vận tải này là 10%.

Nếu áp dụng phương pháp khấu trừ 10% thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ phần thuế đầu vào, đầu ra, phần giá trị tăng thêm thì mới chịu thuế 10%. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng thuế khấu trừ thì áp dụng thuế giá trị gia tăng trực tiếp tỷ lệ cho từng ngành nghề, với dịch vụ vận tải là 3%.

Còn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có hai phương pháp là tính kê khai doanh thu trừ chi phí và tính theo tỷ lệ quy định. Theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp đối với từng ngành nghề, hoạt động vận tải áp dụng thuế 2%.

Trong trường hợp Grab, đây là doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có hai thành viên. Một là đại diện cá nhân trong nước góp vốn 51% và số còn lại của nước ngoài. Do vậy, Grab áp dụng nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí.

Với Uber thì đây là công ty nước ngoài thành lập ở Hà Lan và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nên không đủ điều kiện để tính theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí.

Uber B.V Hà Lan ủy quyền qua Việt Nam nộp thuế thay. Như vậy, Uber B.V Hà Lan là người đang kinh doanh, ký các hợp đồng vận tải với Việt Nam nên nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ nhất định.

Theo đó, nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan như sau: Tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%.

Cá nhân ký kết hợp đồng với công ty Trách nhiệm hữu hạn Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế được xác định là tỷ lệ % để tính thuế giá trị trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng là 1,5%. Như vậy, chính sách thuế áp dụng cho hai doanh nghiệp này là khác nhau.

- Thưa ông, đến nay nhiều ý kiến vẫn tiếp tục khẳng định chính sách thuế vẫn chưa đảm bảo được công bằng khi Uber hay Grab nộp thuế ít hơn các doanh nghiệp taxi truyền thống?

Ông Lưu Đức Huy: Tôi cho rằng, nghĩa vụ thuế do Quốc hội ban hành và luôn đảm bảo công bằng. Trong quá trình thực hiện có gì bất hợp lý thì qua giám sát, Quốc hội sẽ yêu cầu các cơ quan nghiên cứu điều chỉnh phù hợp.

Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội để thông tin đầy đủ tới các cử tri.

Theo đó, trong số 10 doanh nghiệp taxi truyền thống có doanh thu lớn thì có 2 doanh nghiệp không phát sinh thuế giá trị gia tăng phải nộp vì còn thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.

Đây là khi doanh nghiệp áp dụng kê khai, có thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra, khi doanh nghiệp khấu trừ không còn thuế giá trị gia tăng phát sinh nên không phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Có những doanh nghiệp có tỷ lệ nộp giá trị gia tăng dưới 3% như Công ty cổ phần Gia Định, Hợp tác xã vận tải số 10… Hay hai công ty vẫn còn thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chưa phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp là Thành Bưởi và Công ty du lịch Mai Linh.

Thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều nộp thu nhập trên doanh thu thấp. Riêng công ty Ánh Dương có tỷ lệ nộp 1,7% trong khi Uber là 2%. Còn Grab đang lỗ chưa có thu nhập thì theo quy định không phải nộp thuế... Vì vậy, so sánh tỷ lệ nộp thuế của Uber, Grab và các doanh nghiệp taxi truyền thống thì mức đóng góp không ít hơn.

- Trong thời gian tới, Bộ Tài chính có định hướng gì để quản lý thuế các loại hình kinh doanh mới này?

Ông Lưu Đức Huy: Uber, Grab hay các loại hình kinh doanh tương tự thì Bộ Tài chính đều quản lý thuế theo đúng luật. Chính sách, quản lý thuế đã có quy định đầy đủ theo nguyên tắc được đưa ra là người nôp thuế tự khai, tự tính, tự nộp. Cơ quan thuế chỉ thực hiện chức năng hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp kê khai không đúng, không đủ sẽ bị xử lý hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro.

Sau hai năm thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với các Bộ, ngành, Hiệp hội taxi và có báo cáo Thủ tướng về loại hình kinh doạnh vận tải công nghệ này.

Hiện nay đang chờ ý kiến chỉ đạo về việc có tiếp tục thí điểm mô hình này không và xác định rõ loại hình kinh doanh là vận tải hay công nghệ điện tử phục vụ cho hoạt động vận tải.

Vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan quản lý phải có tiếng nói chính thức để báo cáo Thủ tướng chính phủ quyết định.

Liên quan đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xác định hoạt động này nằm trong phân ngành nào của các ngành kinh tế quốc dân và khi đã xác định rõ loại hình vận tải, Bộ Tài chính sẽ áp quy định về thuế đúng với ngành nghề kinh doanh, đối tượng cho phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

Ý kiến của bạn

Bình luận