Theo đánh giá của dự thảo Đề án, vận tải thủy nội địa là một trong 5 phương thức vận tải ở nước ta có vai trò rất quan trọng. Vận tải thủy nội địa không những có vai trò trung chuyển khối lượng hàng hóa, hành khách lớn mà còn tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong vận tải thủy nước ta như: Vẫn tồn tại tình trạng các tuyến vận tải thủy đều không đồng cấp; hiện tượng khai thác tài nguyên dưới lòng sông không theo quy hoạch hay quy trình công nghệ (khai thác cát, sỏi…) thường xuyên diễn ra tràn lan trên hầu khắp các tuyến sông, kênh trên cả nước; hệ thống báo hiệu còn chưa đồng bộ giữa báo hiệu của đơn vị quản lý đường thủy nội địa và báo hiệu của chủ công trình; hoạt động xếp dỡ hàng hoá và quản lý cảng, bến thuỷ nội địa vẫn còn nhiều bất cập; lực lượng phương tiện phát triển nhanh, lại không đồng đều mà chỉ tập trung ở một số khu vực đô thị, khu công nghiệp…
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Đề án nhằm tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đồng bộ, kết nối với các phương thức vận tải khác; nâng cao năng lực đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa với giá thành vận tải hợp lý; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải thủy; đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường; tạo lợi thế rõ rệt đối với các phương thức vận tải khác.
Cụ thể, sẽ xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu có cơ cấu hợp lý, đội tàu đẩy kéo chiếm khoảng 30%, đội tàu tự hành chiếm khoảng 70% trong tổng số phương tiện thủy nội địa; ưu tiên phát triển đội tàu container; hoạt động vận tải thủy nội địa và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành giao thông vận tải thủy nội địa.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; khuyến khích đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa có khối lượng lớn, hàng container tại các cảng thủy nội địa.
Theo dự thảo, sẽ khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa thông qua một số cơ chế chính sách: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng luồng tuyến; khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng cảng, bến thủy nội địa; khuyến khích phát triển lực lượng phương tiện thủy nội địa; khuyến khích phát triển hoạt động vận tải đường thủy nội địa; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics.
Cụ thể, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30-50% trong khoảng 5 năm đầu khai thác cho những nhà đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa chính có hệ thống kho, bãi phục vụ cho hoạt động logistics; cảng hành khách hiện đại.
Đồng thời, hỗ trợ tiền thuê đất cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cảng bến thủy nội địa phục vụ bốc xếp hàng hóa và phát triển vận tải đa phương thức; dành một quỹ đất thỏa đáng cho các dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa, đặc biệt là cảng bốc xếp hàng hóa container.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện tại, trên phạm vi cả nước có 45 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài hơn 6.650Km (miền Bắc 17 tuyến, miền Nam 18 tuyến và miền Trung 10 tuyến). Đây là những tuyến vận tải huyết mạch kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp lớn của khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 20-50% lãi suất ngân hàng để đầu tư mua sắm thiết bị bốc xếp hàng hóa có khối lượng lớn, hàng container hiện đại lắp đặt tại các cảng thủy nội địa phục vụ bốc xếp container.
Theo dự thảo, để khuyến khích phát triển lực lượng phương tiện thủy nội địa sẽ hỗ trợ 20-30% lãi suất ngân hàng đối với người kinh doanh vận tải đầu tư đóng mới phương tiện có trọng tải lớn, tàu tự hành chở container có công suất máy lớn tham gia vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa; hỗ trợ 20-30% lãi suất ngân hàng trong đầu tư mua phương tiện chở khách hiện đại tốc độ cao đưa vào hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa. Đồng thời hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho loại hình vận tải này, nhất là trên những tuyến giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức dịch vụ hỗ trợ tốt nhất (hệ thống báo hiệu, thông báo luồng, vị trí neo đậu, thủ tục vào, rời cảng, bến, bốc xếp, kho bãi, kết nối vận tải…); dự báo, thông tin về nguồn hàng cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải tiếp cận, thụ hưởng những ưu đãi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như chính sách thuế, lệ phí, tín dụng…
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
P.V
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.