Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra tiến độ thi công dự án cầu Móng Sến |
Nỗ lực giải ngân theo kế hoạch
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Danh Huy cho biết, đến hết tháng 9/2021, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch, trong đó vốn trong nước giải ngân được 24.332/38.564 tỷ đồng (đạt 63,5%); vốn nước ngoài giải ngân được 2.390/4.837 tỷ đồng (đạt 49,1%). Kết quả giải ngân chung của cả Bộ đáp ứng tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 63 của Chính phủ (hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu đạt 60%).
Để đạt được kết quả này, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 6 đợt cho 20 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 3.965 tỷ đồng từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt. Đáng chú ý, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2015, Bộ GTVT đã giao chi tiết 286 tỷ đồng để trả nợ địa phương (QL3 - Thái Nguyên và QL54 - Đồng Tháp).
Năm 2021, Bộ GTVT được giao 43.397 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 401 tỷ đồng kế hoạch kéo dài), đến nay đã phân bổ chi tiết 42.972/42.996 tỷ đồng, đạt 99,94% kế hoạch năm 2021 được giao.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Danh Huy, từ nay đến hết ngày 31/01/2022 cần giải ngân 16.900 tỷ đồng, đây là con số lớn, thách thức lớn trong khi những tháng cuối năm, khu vực miền Trung và Tây Nguyên vào mùa mưa. Do đó, ông Nguyễn Danh Huy đề nghị các ban QLDA, chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo điều hành dự án để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.
Về công tác xây dựng cơ bản, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị và chính quyền các địa phương, nhiều dự án của Ngành đã kịp thời được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có sự chuyển biến rõ rệt. Điển hình như, các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 sau khi được tháo gỡ nguồn cung vật liệu đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, cơ bản đáp ứng được yêu cầu; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sau khi được tháo gỡ công tác cọc thử, tiến độ đã được kiểm soát và vượt kế hoạch; Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sau khi xử lý được vấn đề thiếu hụt vật liệu, hiện nay đã bù được tiến độ chậm và triển khai đáp ứng tiến độ; Dự án TP1, QL24 và QL27 sau khi yêu cầu nhà thầu huy động thêm các mũi thi công, tập trung đẩy nhanh tiến độ và đã hoàn thành đáp ứng kế hoạch.
Liên quan đến công tác xây dựng cơ bản, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, mục tiêu thời gian tới là giải ngân đạt kế hoạch, tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì triển khai dự án và phân bổ kế hoạch năm 2022. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị cần bám sát kế hoạch khởi công, khánh thành các dự án để kịp thời xác định khó khăn, điểm cần tháo gỡ như ở địa bàn nào, dự án nào, cần tháo gỡ nội dung gì, đặc biệt là tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Đối với các dự án trọng điểm cần lưu ý tháo gỡ khó khăn về vật liệu và điều kiện thi công trong thời điểm dịch bệnh, thiên tai bão lũ. Đặc biệt, các đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân nhưng phải chú trọng đảm bảo yêu cầu chất lượng thi công dự án.
Duy trì vận tải thông suốt
Đối với hoạt động vận tải, Vụ trưởng Vụ vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng về tổng thể, ngành GTVT tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là công tác vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để có được kết quả này, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời triển khai rất nhiều giải pháp vận tải nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ GTVT cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong hoạt động vận tải trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, cảng biển, bến thủy nội địa.
Đồng thời, nhằm tạo điều kiện cao nhất trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn, liên thông, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, Bộ GTVT đã kịp thời ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác vận tải, hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, Bộ đã yêu cầu một số địa phương thu hồi, điều chỉnh ngay những quy định phòng, chống dịch chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh kiểm tra các bến bãi, tập kết hàng hóa, cảng thủy nội địa và công tác chấp hành các quy định phòng, chống dịch của doanh nghiệp, lái xe, lái tàu.
Xác định nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên số 1 trong thời gian tới là khôi phục vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng hoạt động vận tải trong bối cảnh “bình thường mới” cần phải linh hoạt hơn trước. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải rà soát lại kế hoạch, ban hành chi tiết các yếu tố liên quan đến y tế, dịch tễ, phòng chống dịch bệnh để có phương án tổ chức giao thông thuận tiện hơn cho nhân dân sau thời gian giãn cách xã hội vừa qua.
Các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT, sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai, hướng dẫn về công tác tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) trong thời gian các địa phương thực hiện các cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 theo lĩnh vực quản lý.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.