Tàu đông hành khách trở lại

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
21/04/2022 06:05

Khách đi tàu đông trở lại, ngành đường sắt chạy nhiều tàu phục vụ, người lao động ngành cũng được trở lại làm việc sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19.

Hành khách đi tàu tăng trở lại dịp cao điểm lễ

Hành khách đi tàu tăng trở lại dịp cao điểm lễ

Đi làm là “sống”

Đã khá lâu rồi anh Đặng Văn Hưng - Trưởng tàu khách SE mới được nhìn lại cảnh hành khách nườm nượp lên xuống tàu. Hai năm trôi qua, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Đường sắt bị thiệt hại nặng nề, khách thưa thớt, tàu bị cắt giảm, anh em người lao động ngành phải nghỉ luân phiên vì không có việc.

Trò chuyện với PV trong tâm trạng phấn khởi sau hơn 1 tháng nghỉ làm kể từ dịp Tết, anh Đặng Văn Hưng, Trưởng tàu khách SE cho biết, lượng khách đi tàu bắt đầu đông trở lại từ dịp lễ Giỗ Tổ, đặc biệt là các chặng ngắn như Hà Nội - Đồng Hới, Đồng Hới - Huế… gần như lúc nào tàu cũng kín khách cả ghế phụ, chặng dài Hà Nội - TP. HCM thì ít khách hơn. Nhìn cảnh này, anh Hưng và các đồng nghiệp như được tiếp thêm sức mạnh, quên hết mệt mỏi.

“Từ đợt đi tàu Tết về là tôi nghỉ đến tháng này mới được đi làm. Anh em vẫn chưa được đi làm ổn định, phải thay phiên nhau tháng nghỉ, tháng làm do sau Tết nhiều đôi tàu bị cắt giảm vì vắng khách”, Anh Hưng nói.

Vì chưa được đi làm đều nên thu nhập cũng chưa ổn định, anh Hưng chia sẻ thêm, tháng này đi 3 chuyến dài, thu nhập hệ trưởng tàu như anh được khoảng 7 triệu/tháng. Cuối năm, vừa rồi người lao động được hỗ trợ từ quỹ lương dự phòng của công ty nên anh Hưng có thêm khoảng 10 triệu đồng, nhưng tháng nào nghỉ làm thì hoàn toàn không có thu nhập.  

“Nhiều anh em đồng nghiệp của tôi không trụ được đã xin nghỉ hẳn để tìm công việc khác”, anh Hưng ngậm ngùi.

Chia sẻ về thu nhập của mình, chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên phục vụ tàu cho biết, hiện tại với tần suất đi 3 chuyến dài, 1 chuyến ngắn thì chị được khoảng 4 triệu tiền lương. Trước dịch, chị Nga đi đều đặn 4 chuyến dài/tháng nên thu nhập cao hơn. Hiện tại, thu nhập bấp bênh, chưa kể khách chủ yếu đi chặng ngắn nên chị Nga và các đồng nghiệp lại tốn thêm chi phí.

“Đi chuyến ngắn phải ngủ lại qua đêm để chờ khách nên tiêu tiền tốn lắm.” - Chị Nga tâm sự.

Những tháng không có thu nhập, chi tiêu của cả gia đình chị Nga chủ yếu dựa vào ông xã chị và sự giúp đỡ của hai bên họ hàng nội, ngoại. Dù khó khăn nhưng chị Nga vẫn giữ tinh thần lạc quan và quyết tâm bám trụ với nghề.

Ngành Đường sắt tăng cường thêm tàu để phục vụ vận tải dịp cao điểm (Ảnh minh họa)

Ngành Đường sắt tăng cường thêm tàu để phục vụ vận tải dịp cao điểm (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, dịp cao điểm lễ năm nay, tín hiệu khả quan đã đến với ngành Đường sắt. Dịp lễ Giỗ tổ, ngành Đường sắt tổ chức chạy 106 đoàn tàu, trong đó có 16 đoàn tàu Thống Nhất và 90 đoàn tàu khu đoạn, tiếp đón gần 70 ngàn lượt hành khách, doanh thu 16 tỷ đồng. Đặc biệt, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, lượng khách tăng đột biến, công ty đã lập đến 33 chuyến tàu, trung bình từ hơn 800 - 1.000 khách/chuyến.

Hiện tại, nhu cầu vé dịp lễ 30/4, 1/5 cũng rất cao. Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, ngành đường sắt đã lập thêm khoảng 30 chuyến tàu tăng cường ngoài các tàu chạy thường xuyên. Đến nay, các mác tàu tuyến phía Nam khởi hành vào cao điểm tối 29/4 đã gần hết vé.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, doanh nghiệp này đã lập thêm gần 20 mác tàu. Hiện các chuyến tàu khởi hành tối 29/4 và sáng 30/4 giữa TP. HCM và các điểm Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng... đã bán gần hết vé. Để phục vụ nhu cầu hành khách, ngành đường sắt nối thêm toa xe, lập thêm tàu.

Tái cơ cấu ngành Đường sắt, người lao động sẽ ra sao?

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong đó, đáng chú ý là việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một Công ty cổ phần vận tải đường sắt.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, phương án hợp nhất hai đơn vị vận tải đường sắt ít xáo trộn về về tổ chức và nhân lực, giúp tiết kiệm chi phí phát sinh; đồng thời hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ và tập hợp nguồn lực các doanh nghiệp trong VNR; khắc phục được sự đan xen, chồng chéo khi có nhiều tổ chức, nhiều nhân lực trên cùng một địa điểm cùng thực hiện một công việc, từ đó giúp hạ giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chủ tịch VNR cho biết thêm, việc tái cơ cấu này là kế thừa lại toàn bộ, không phải cổ phần hóa, nên quyền lợi người lao động sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc sáp nhập 2 đơn vị sẽ làm phát sinh lao động dôi dư cần giải quyết chế độ chính sách.

Số lượng lao động được tinh giản sẽ tập trung trước tiên vào khối gián tiếp do giảm đầu mối quản lý, giảm số lượng phòng, ban trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, định biên các lao động trực tiếp trước đây buộc phải bố trí tại các ga làm nghiệp vụ khách vận, hóa vận tại các công ty cổ phần vận tải sẽ được giảm một nửa, do sau khi sáp nhập sẽ chỉ cần duy nhất một đại diện thực hiện các nghiệp vụ này tại các ga. Mặt khác, đối với các vị trí đến tuổi nghỉ chế độ của khối lao động gián tiếp không tuyển dụng mới chỉ tiến hành điều chuyển trong nội bộ; khối lao động trực tiếp, trên cơ sở tận dụng nguồn lực chung của các đơn vị để phân công công việc, hạn chế tuyển dụng mới.

Chia sẻ suy nghĩ về việc sáp nhập, anh Hưng cho biết anh em trong công ty đã nhận được công văn về chủ trương này nhưng vẫn chưa nắm được cụ thể.

"Tôi cũng không lo lắng lắm vì theo tôi chủ trương tinh giản tập trung vào các bộ phận gián tiếp, trong khi thực tế bộ phận lao động trực tiếp như tôi hiện đang rất thiếu nhân lực", anh Hưng nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận