Những cái Tết không vẹn tròn
Với công việc đặc thù, hầu như tất cả viên chức, thuyền viên của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực III (Trung tâm) phải đảm bảo công tác thường trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ hàng ngày. Đối với họ, Tết cũng gắn liền với đại dương bao la.Như bao đồng nghiệp khác, anh Đinh Xuân Trường - Thuyền trưởng tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 413 của Trung tâm đã đón rất nhiều cái Tết trên đại dương. Anh quan niệm đối với nghề hàng hải nói chung và cứu nạn hàng hải nói riêng, bất cứ ai đã tham gia vào nghề đều rất thiệt thòi về mặt tình cảm, chấp nhận sự hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với lòng nhiệt huyết với nghề, mặc dù Tết đang đến rất gần, người người, nhà nhà ai cũng háo hức được được sum vầy bên gia đình và người thân nhưng trong anh luôn trăn trở ngoài khơi xa kia vẫn có những con tàu đang chở hàng, vẫn có những ngư dân bám biển khai thác hải sản. Là người cứu nạn trên biển, anh coi mình như người "chiến sỹ" canh giữ sự bình yên cho người đi biển nên việc hy sinh bản thân, đón những cái Tết xa gia đình trên biển đối với anh rất đỗi bình thường.
“Tôi có quan niệm riêng về Tết. Tết của tôi là sự bình an của những người đi biển, Tết của tôi là cứu giúp được những người bị nạn trên biển về đến bờ an toàn. Được thấy người bị nạn trở về bên người thân và gia đình, tôi và các đồng nghiệp vô cùng hạnh phúc, đúng kiểu vui như Tết”, anh Trường chia sẻ.
Trong 5 năm làm nghề, không biết bao nhiều lần vượt sóng dữ ra khơi cứu nạn nhưng chuyến cứu nạn vào dịp Tết Mậu Tuất 2018 khiến vị thuyền trưởng này nhớ mãi. Anh kể, chiều ngày 29 tháng Chạp khi tàu đang trực sẵn tại cảng Trung tâm thì nhận được lệnh đi cứu nạn tàu cá BV 98791 TS bị nạn tại vùng biển Vũng Tàu, Côn Đảo. Tàu SAR 413 đã nhanh chóng xuất phát, khi ra đến hiện trường phối hợp ngay với tàu Biên Phòng cứu được 8 nạn nhân và vớt 01 thi thể nạn nhân xấu số. Sau khi đánh giá tình hình sức khỏe của nạn nhân, đội cứu nạn đã xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Trung tâm bàn giao chỉ huy hiện trường cho tàu Biên Phòng tiếp tục công tác tìm kiếm để SAR 413 nhanh chóng quay về bờ cấp cứu cho một số nạn nhân sức khỏe yếu. Lãnh đạo Trung tâm điều động tàu SAR 272 ra hiện trường thay thế để tiếp tục phối hợp với các lực lượng, tìm kiếm những thuyền viên còn mất tích.
Đến chiều 30 Tết, tàu SAR 413 về đến cảng của Trung tâm bàn giao các nạn nhân và 01 thi thể nạn nhân xấu số cho các cơ quan chức năng và gia đình. Sau khi hoàn tất công tác bàn giao, tàu SAR 413 tiếp tục làm công tác kiểm tra bảo dưỡng, tiếp nhận thêm nhiên liệu, thực phẩm chuẩn bị sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo thì cũng là lúc giao thừa đã điểm.“Vào khoảng thời gian chuyển giao linh thiêng của đất trời, khi mà nhà nhà đều quây quần đông đủ các thành viên đón chờ năm mới thì chúng tôi, tất cả lực lượng cứu nạn ở Trung tâm vẫn đau đáu theo dõi tình hình hoạt động và kết quả triển khai công việc tìm kiếm cứu nạn của tàu SAR 272 ở ngoài hiện trường, đồng thời luôn trong tư thế sẵn sàng ra khơi cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân”, anh Trường nhớ lại.
Đoàn kết, sẻ chia ngọt bùi
Trao đổi với PV, ông Lương Trường Phi - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, nhìn nhận thực tế mới thấy, những “chiến sỹ” tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm phải hy sinh rất nhiều thứ và vô cùng thiệt thòi về nhiều phương diện. Mặc dù vậy, họ không bao giờ lùi bước, luôn đoàn kết và sẻ chia với nhau.
“Một ca trực của Trung tâm theo tiêu chuẩn phải có rất nhiều bộ phận từ Ban Giám đốc, các chuyên viên trực ban thông tin của Phòng Phối hợp cứu nạn cho đến các thuyền viên trên phương tiện chuyên dụng và hơn hết là phải luôn đảm bảo quân số để sẵn sàng ra khơi bất cứ lúc nào. Công việc đặc thù yêu cầu phải túc trực 24/24 giờ nhưng biên chế, định biên trên các tàu chỉ vừa đủ các chức danh, không có lực lượng dự trữ. Chính vì vậy, việc bố trí cho anh em nghỉ Tết gặp rất nhiều khó khăn”, ông Phi bộc bạch.
Vào mỗi dịp cuối năm, Ban lãnh đạo Trung tâm thường tổ chức động viên toàn thể lực lượng trong đơn vị cùng chia sẻ những khó khăn trong công việc để tổ chức cho mọi người nghỉ Tết nhưng vẫn đảm bảo quân số thường trực. Theo đó, đơn vị gửi thông báo và bản danh sách đăng ký nghỉ Tết đến các bộ phận để tổng hợp, xem xét cho các viên chức, thuyền viên nghỉ phép. Việc đăng ký nghỉ phải có sự thống nhất của Ban chỉ huy mỗi tàu và sự thống nhất về ngày nghỉ (thời gian) giữa từng chức danh của các tàu để đảm bảo có sự thay thế khi khuyết các vị trí chức danh trên tàu đi làm nhiệm vụ, nhất là các sỹ quan.“Chúng tôi thường chỉ giải quyết nghỉ trong những ngày Tết cho anh em có nhu cầu cần thiết, chính đáng như ba, mẹ già đau yếu nhiều lần trong năm hoặc chưa nghỉ Tết từ 02 năm trở lên và các trường hợp đột xuất khác. Biết các anh em luôn thiếu thốn, thiệt thòi, chúng tôi thường xuyên động viên tinh thần, trao đổi và nắm bắt những khó khăn của từng người để đưa ra các phương án giúp đỡ, hỗ trợ một cách kịp thời. Từ đó, Trung tâm cũng đã nhận được sự hỗ trợ, đồng thuận cũng như sự chia sẻ những khó khăn từ viên chức, thuyền viên của mình, là động lực để đơn vị luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”, ông Phi phấn khởi nói.
Có thể thấy, đối với ngư dân, những người đi biển, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải chính là hiện thân của lòng dũng cảm trong thời bình, thực sự là tấm “bùa hộ mệnh” giúp bà con vươn khơi bám biển. Bởi lẽ, sự có mặt kịp thời của các lực lượng cứu nạn trên biển luôn là điểm tựa tinh thần cho ngư dân, cho những người đi biển. Là những “vị cứu tinh trên biển” nhưng phía sau công việc của những người cứu hộ, cứu nạn trên biển, ít ai hiểu được những hy sinh thầm lặng của họ
Đến với nghề cứu nạn bằng cả trái tim Tính đến nay, Thuyền trưởng Đinh Xuân Trường đã gắn bó với nghề cứu nạn hàng hải được 5 năm và có lẽ đây cũng là cái duyên với anh. Trước khi đến với nghề cứu nạn, anh là thuyền trưởng làm việc trên những con tàu viễn dương, thực hiện những hải trình băng qua các đại dương. Khi còn làm việc trên những con tàu viễn dương, một lần anh đã chứng kiến thuyền viên trên tàu của mình bị thương và đã được lực lượng cứu nạn quốc tế hỗ trợ. Đó là lần đầu anh được tiếp cận với lực lượng cứu nạn và thấy nghề cứu nạn hàng hải rất ý nghĩa. Sau chuyến đi biển đó, anh đã tìm hiểu về lực lượng cứu nạn hàng hải, được tiếp cận và tham gia vào lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam qua những người anh, người bạn đang công tác trong lực lượng cứu nạn hàng hải. Bằng cả trái tim mình, người Thuyền trưởng trẻ Đinh Xuân Trường đã quyết tâm vào đội ngũ của lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam.“Khi trực tiếp làm nghề, mình cảm nhận hơn về ý nghĩa của nghề và càng yêu nghề hơn, đam mê với công việc hơn. Ý nghĩa của việc cứu nạn là việc làm nhân đạo, những thành quả của nghề cứu nạn đem lại giá trị không thể so sánh được”, anh Trường xúc động. . |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.