Những năm trước đây, quãng thời gian 3 tháng trước Tết luôn là giai đoạn cực kỳ sôi động của thị trường ô tô. Khi nhu cầu mua sắm tăng cao, các đại lý ô tô thường tận dụng để tăng giá hoặc ép khách hàng mua thêm phụ kiện theo kiểu "bia kẹp lạc" để có thể nhận bàn giao xe trước Tết.
Tuy nhiên, bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam năm nay hoàn toàn trái ngược. Người tiêu dùng không những không phải chi thêm tiền mà còn được giảm giá rất sâu kèm thêm hàng loạt ưu đãi khác. Ngoại trừ một số mẫu xe kén chọn người dùng, hầu hết các loại xe khác đều đang sẵn hàng để giao sớm.
Rớt giá thê thảm nhất là 2 thương hiệu ô tô nhập khẩu Subaru và Volkswagen. Suốt từ giữa năm đến nay, Subaru hầu như luôn duy trì liền mạch chính sách giảm giá, khuyến mại hàng trăm triệu đồng cho toàn bộ các mẫu xe.
Mới đây nhất, nhà phân phối chính hãng Subaru công bố đợt khuyến mại với giá trị cao nhất 440 triệu đồng dành cho khách hàng mua xe trong tháng 12/2023. Mức giảm giá sâu nhất thuộc về các mẫu xe kén khách như Outback, BRZ và WRX. Ngay cả mẫu xe bán tốt nhất là Forester cũng đang được nhà phân phối kết hợp giảm giá và khuyến mại có tổng trị giá 170 – 270 triệu đồng.
Subaru là thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá khá cao ở khả năng vận hành. Tuy nhiên, các mẫu xe Subaru lại được định giá cao hơn so với các đối thủ cùng phân khúc trong khi thiết kế và trang bị công nghệ thô kệch và nghèo nàn hơn. Đây cũng chính là lý do khiến người tiêu dùng ô tô Việt Nam ít lựa chọn thương hiệu Subaru.
Volkswagen cũng ở tình cảnh tương tự. Thương hiệu đến từ nước Đức thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tồn kho lớn và doanh số rất thấp. Liên tục từ giữa năm đến nay, nhà phân phối Volkswagen tung ra những đợt giảm giá mạnh tay có giá trị tương đương khoảng 15% giá bán lẻ.
Thông qua hình thức hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, người tiêu dùng mua các mẫu xe Volkswagen Teramont, Tiguan, T-Cross và Touareg có thể tiết kiệm được khoản tiền 200 – 500 triệu đồng.
Ngoài tình trạng khó khăn về doanh số và tồn kho, các thương hiệu ô tô nhập khẩu còn phải đối mặt với sức ép từ các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong khi xe lắp ráp trong nước nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, các loại xe nhập khẩu buộc phải tự "cắt máu" để giảm giá, khuyến mại cho khách hàng. Do đó, các chương trình giảm giá, ưu đãi của xe nhập khẩu luôn có giá trị rất cao.
Nhưng ngay cả các hãng xe trong nước sở hữu mức doanh số khá ấn tượng cũng bị kéo vào guồng quay giảm giá.
Ford là một điển hình. Thương hiệu ô tô Mỹ được xem là một cá biệt khi ngược dòng tăng trưởng doanh số đến 51% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 29.546 chiếc bán ra thị trường cộng dồn 10 tháng năm 2023. Tuy nhiên, khi sức mua vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục dù đã bước vào giai đoạn nhiều kỳ vọng cuối năm, mới đây Ford Việt Nam buộc phải tung ra chương trình khuyến mại khủng dành cho khách hàng mua xe trong tháng cuối năm.
Cụ thể, khách hàng mua mẫu SUV nhập khẩu Ford Explorer được giảm giá tiền mặt 100 triệu đồng; khách hàng mua mẫu xe Territory được giảm giá, khuyến mại với giá trị tương đương đến 150% lệ phí trước bạ; các mẫu xe bán tải Ranger và mẫu SUV 7 chỗ ngồi Everest cũng nhận được khoản giảm giá, khuyến mại có tổng trị giá tương đương 50 – 100% lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, khách mua xe Ford trong tháng 12/2023 còn có cơ hội trúng thưởng 1 lượng vàng.
Hàng loạt các thương hiệu khác như Toyota, Hyundai, Honda, Suzuki, Mitsubishi… cũng đang giảm giá rất sâu cho khách hàng mua xe dịp cuối năm.
Trong đó, khách hàng mua các mẫu xe Honda City và CR-V lắp ráp trong nước sẽ tiết kiệm được khoản tiền tương đương 100% lệ phí trước bạ, bao gồm 50% hỗ trợ từ Chính phủ và 50% giảm giá từ liên doanh Nhật Bản. Các mẫu xe nhập khẩu như HR-V, BR-V, Civic và Accord cũng đang được giảm giá tương đương 50% lệ phí trước bạ.
Toyota Việt Nam cũng áp dụng chính sách kích cầu tương tự dành cho hầu hết các mẫu xe đang bán trên thị trường. Tuy nhiên, liên doanh Nhật Bản lại khống chế giá trị khuyến mại tối đa 30 – 35 triệu đồng đối với các mẫu xe bán chạy như Avanza hay Veloz Cross. Mặc dù vậy, do sức mua yếu và khả năng cạnh tranh kém so với đối thủ, các đại lý Toyota vẫn đang giảm giá thêm 5 – 10 triệu đồng cho khách hàng mua bộ đôi MPV cỡ nhỏ.
Mitsubishi Xpander, mẫu MPV đô thị đắt khách nhất phân khúc, cũng đang được hãng xe Nhật Bản hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, qua đó chi phí lăn bánh có thể giảm khoảng 30-42 triệu đồng tùy địa phương. Các mẫu xe Mitsubishi khác như Pajero Sport, Outlander hay Attrage đang được nhà nhập khẩu và phân phối giảm giá trên 10% do tình trạng ế ẩm kéo dài.
Tương tự đồng hương, Suzuki cũng đang mạnh tay giảm giá cho các mẫu xe của mình khi rơi vào trạng thái ế ẩm. Mẫu xe MPV cỡ nhỏ 7 chỗ ngồi Ertiga cũng đang có mức giá bán lẻ trao tay thấp hơn 60 -110 triệu đồng so với giá niêm yết. Ngay cả mẫu xe bán tốt nhất của hãng là XL7 cũng buộc phải giảm giá trên dưới 50 triệu đồng.
Khảo sát cho thấy, tình trạng giảm giá đang diễn ra trên diện rộng đối với hầu hết các thương hiệu và gần như toàn bộ các mẫu xe hiện có trên thị trường. Đây là một hiện tượng hiếm thấy bởi theo thông lệ, giai đoạn cuối năm luôn là dịp các hãng xe và đại lý tranh thủ đẩy giá. Năm nay, bối cảnh hoàn toàn trái ngược và đây được xem như cơ hội mua xe giá thấp tốt nhất từ trước đến nay đối với người tiêu dùng ô tô trong nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.