Đất rừng phòng hộ được chuyển đổi thành đất xây dựng nhà hàng phục vụ khách du lịch tuy nhiên các cấp chính quyền và Ban quản lý khu du lịch sinh thái Cồn Vành đều bất lực |
Xã được ký hợp đồng giao đất 25 năm?
Thái Bình - vùng đất vốn yên bình như trong lời ca khúc “Nắng ấm quê hương” và đang trên đà phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội trong những năm gần đây. Ở vùng đất ấy, với bãi biển Đồng Châu được xác định là một “vùng kinh tế biển” quan trọng với đường bờ biển dài 52km.
Tuy nhiên, khi Đồng Châu đang dần trở thành khu vực nuôi trồng hải sản thì Cồn Vành mới là nơi được UBND tỉnh Thái Bình quy hoạch thành điểm tập trung phát triển du lịch phát triển kinh tế kết hợp Quốc phòng - An ninh. Đã có đề án, chiến lược thế nhưng sau một thời gian dài, việc phát triển thành một “khu du lịch sinh thái” vẫn chưa có sự định hình rõ rệt. Thay vào đó, Cồn Vành vẫn chỉ như một “điểm du lịch...treo”, chưa thu hút được nhiều du khách để tạo ra một sức bật về kinh tế cho xã Nam Phú - huyện Tiền Hải nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.
Trước đây, Cồn Vành vốn là một bãi biển hoang sơ, việc di chuyển tới bãi biển này vô cùng khó khăn. Thời điểm đó, ngày 3/11/2001 Chủ tịch UBND xã Nam Phú là ông Trần Ngọc Duyên và ông Phạm Xuân Thủy – nguyên là cán bộ công an huyện phụ trách xã Nam Phú (đã qua đời) có ký kết một bản hợp đồng với mục tiêu “Trồng cây gây rừng khu vực bãi mới bồi Cồn Vành xã Nam Phú”, cho phép ông Thủy trồng cây trên diện tích mới bồi của Cồn Vành với thời gian 20 năm, để phát triển rừng phòng hộ, 5 năm được khai thác một lần và sau mỗi lần khai thác ông Thủy được hưởng 80% số cây khai thác còn lại 20% UBND xã Nam Phú được hưởng.
Ông Thủy sau này có văn bản ủy quyền lại cho bố đẻ là ông Phạm Văn Nguyên (xã Nam Thịnh) và ông Tô Thành Long (xã Tây Giang) có nhiệm vụ phát triển rừng phòng hộ theo Hợp đồng đã ký kết và mỗi khi thu hoạch phải có báo cáo UBND xã cũng như Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Vấn đề xuất phát từ giữa năm 2015, ông Long đã tự ý cho phép một số hộ dân cắm cọc, dựng lán trại để kinh doanh phục vụ khách du lịch. Cho đến đầu năm 2016 thì các hoạt động này bùng phát một cách mạnh mẽ trong sự bất lực của Ban quản lý dự án (QLDA) Khu du lịch sinh thái Cồn Vành.
Sự việc với những diễn biến phức tạp đã khiến cho người dân trong khu vực bức xúc, phản ánh và thậm chí có sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng các hoạt động vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến bây giờ.
Đất trồng rừng phòng hộ được chuyển đổi sử dụng vào việc kinh doanh dịch vụ |
Hợp đồng "tam sao thất bản" - tấm bùa cho sự tác oai, tác quái!
Theo tài liệu phóng viên được cung cấp, năm 2001, ông Phạm Xuân Thủy có 2 bản hợp đồng cùng một ngày, tức ngày 3/11/2001 với UBND xã Nam Phú: Một bản với thời hạn 20 năm (từ 2001 – 2021) với nội dung “ Hợp đồng trồng cây gây rừng khu vực bãi mới bồi Cồn Vành xã Nam Phú” và hợp đồng có thời hạn tới 25 năm (từ 2001 đến 2026) với nội dung “Hợp đồng khai hoang đất trồng cây chắn sóng, phát triển kinh tế tại khu vực Cồn Vành”.
Không khó để dễ nhận ra 2 bản hợp đồng được ký cùng một ngày nhưng nội dung được thay đổi gần như toàn bộ. Từ việc “Trồng cây gây rừng bãi mới bồi Cồn Vành” sang “Khai hoang đất trồng cây chắn sóng phát triển kinh tế”. Chính điều này đã khiến dư luận phải đặt câu hỏi liệu việc thay đổi đó có lợi ích chung của một nhóm người nào đó?
Xét về mặt quản lý nhà nước, việc ký hợp đồng thời hạn 25 năm rõ ràng là một sai phạm lớn, bởi trên nguyên tắc, UBND cấp xã chỉ được phép ký giao đất 5 năm thuộc quỹ đất 5%, 2 bản Hợp đồng này được ký bởi nguyên Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Duyên.
Trao đổi với phóng viên ông Phạm Văn Tuệ - Chủ tịch đương nhiệm xã Nam Phú đã xác nhận thông tin việc ông Duyên (nguyên Chủ tịch xã) có ký hợp đồng giao đất cho ông Thủy - nay ủy quyền lại cho ông Long là chính xác: “Về việc UBND xã đã ký hợp đồng giao đất thời hạn lên tới 25 năm là sai thẩm quyền, thời điểm đó nhận thức pháp luật chưa cao, đồng thời để khuyến khích người dân đi đầu trong mục tiêu khai hoang nên hợp đồng giao đất được kéo dài. Hiện tại UBND xã Nam Phú chỉ còn lưu bản sao có công chứng tờ hợp đồng 25 năm chứ hợp đồng gốc thì xã không lưu. Hiện nay việc quản lý khu vực Cồn Vành thuộc Ban QLDA Cồn Vành. Do vậy, UBND xã chỉ phối hợp giải quyết an ninh trật tự cùng Ban QLDA tại khu vực Cồn Vành thôi”, ông Phạm Văn Tuệ khẳng định.
Như vậy, Hợp đồng bản sao kia vẫn còn hiệu lực trong 10 năm nữa đồng nghĩa với việc dựa vào bản hợp đồng này ông Long vẫn có thể làm bất cứ việc gì mình muốn với sự bất lực của các cấp quản lý của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Theo một diễn biến khác, năm 2009 ông Long đã từng có đề nghị về việc được xây một căn nhà cấp bốn để trông coi rừng, nhưng khi làm lại tổ chức thi công sàn bê tông kiên cố khi bị phát hiện đã bị UBND xã Nam Phú, UBND huyện Tiền Hải đình chỉ nhưng ông Long vẫn cố tình vi phạm xây dựng. Điều khiến dư luận hết sức bức xúc là từ nhà bảo vệ rừng ông Long đã biến tướng thành một dãy nhà cấp bốn cho thuê hàng trăm triệu mỗi năm để làm nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống; cho phép các hộ dân dựng lán và hoạt động kinh doanh du lịch ngay trên diện tích đất rừng phòng hộ là khu vực cần được bảo vệ. Không những thế ông Long còn phân lô ngay bìa rừng cho thuê thu tiền dưới sự bất lực của Ban QLDA Cồn Vành.
Dựa vào bản hợp đồng trồng rừng phòng hộ Cồn Vành, ông Tô Thành Long tổ chức cho các hộ dân thuê mặt bãi biển tiếp giáp với bìa rừng để bán hàng dưới sự bất lực của Ban quản lý dự án du lịch sinh thái Cồn Vành |
Anh T.P.Đ người dân xã Nam Phú cho biết, ông Long hiện cho khoảng 20 hộ dân trong khu vực thuê đất rừng phòng hộ làm quán bán hàng với bản hợp đồng “miệng”, thời hạn là 3 năm với mức giá 1,5 triệu đồng/1m dài. Nhiều người dân xã Nam Phú đặt câu hỏi: Với diện tích theo hợp đồng trên 38ha đất trồng rừng nếu cho thuê thì cá nhân ông Long sẽ thu lời được bao nhiêu?
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm nghiêm trọng, hơn nữa trong hoạt động phục vụ du lịch, hành động của ông Long đã tạo ra sự lộn xộn, chồng chéo, bởi với một bãi biển Cồn Vành đang được kinh doanh khai thác khoảng 400m đường bờ biển lại có sự quản lý của cả tập thể (Ban quản lý) lẫn cá nhân (ông Long).
Thêm nữa, vấn đề giá cả đang có sự thiếu nhất quán, bởi trong khi Ban quản lý đã thực hiện việc niêm yết giá các mặt hàng thì tại các lô kinh doanh ở phần đất chỗ ông Long, việc kinh doanh không tuân theo mức giá của Ban quản lý, đẩy khách du lịch vào sự bức xúc, phản ánh lên Ban quản lý nhưng việc giải quyết không hề đơn giản. Với những gì đã và đang diễn ra thì có thể hiểu rằng, dựa trên bản hợp đồng “Tam sao thất bản”, ông Long coi đó là phần đất của mình và muốn làm gì thì làm trên đất rừng phòng hộ khu vực Cồn Vành.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.