Thái Nguyên đột phá giảm TNGT

Tác giả: Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 10/02/2016 06:55

Từ một địa phương có tình hình TNGT diễn biến phức tạp hàng đầu cả nước, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã được kiềm chế với bước tiến vượt bậc về ATGT.

Giảm 55% số người chết vì TNGT

Năm 2010, tỉnh Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 56/63 tỉnh, thành có tình hình TTATGT phức tạp và trong số 10 tỉnh có TNGT tăng, bị Thủ tướng Chính phủ phê bình.

Sau 4 năm phấn đấu thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ và 5 năm triển khai thực hiện Đề án kiềm chế và đẩy lùi TNGT, nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân được nâng cao trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT. Tình hình TTATGT được ổn định với số vụ TNGT giảm mạnh.

Đến năm 2014, Thái Nguyên đã vượt lên vị trí 8 tỉnh có TNGT giảm trên 20%, được Chính phủ biểu dương và tặng Bằng khen. Trong đó, số người chết do TNGT đã giảm 55,05% sau 4 năm nỗ lực.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên, năm 2015, địa bàn tỉnh đã xảy ra 185 vụ TNGT, làm chết 100 người, bị thương 150 người; so với cùng kỳ năm 2014 tiếp tục giảm 53 vụ (-22,27%); giảm 7 người chết (-6,54%); giảm 73 người bị thương (-32,73%).

Đồng thời, cơ sở hạ tầng giao thông được quan tâm phát triển, đặc biệt là tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Hệ thống đường giao thông nông thôn được cải thiện nhanh chóng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần đáng kể vào việc cải thiện nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Tân Hoàng Long - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, TNGT trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế hiệu quả theo đúng mục tiêu phấn đấu của tỉnh là số người chết do TNGT giảm xuống ở mức 2 con số trong năm 2015.

Trong 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan từ Trung ương đến địa phương để triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT một cách cụ thể, toàn diện và đồng bộ.

“Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật TTATGT đã được triển khai đến từng bản, làng, thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư với nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng trong mọi tầng lớp nhân dân, làm thay đổi nếp nghĩ, thói quen, hành vi của từng người”, ông Long nhấn mạnh.

Theo đó, nhiều chương trình, cuộc thi, cuộc vận động đã được toàn dân hưởng ứng. Đặc biệt, những chương trình hướng đến nhóm đối tượng tuổi trẻ và người nông dân. Đồng thời, Ban đã kết hợp chặt chẽ giữa cưỡng chế thi hành pháp luật với tuyên truyền giáo dục làm thay đổi hành vi, thái độ ứng xử của người tham giao giao thông cũng như nhận thức và ý thức của người dân. Đây cũng là cơ sở bền vững cho việc kiềm chế và đẩy lùi TNGT.

Những mô hình, chương trình hoạt động cụ thể như: Chương trình “Toàn dân tích cực tham gia bảo đảm TTATGT” của Ủy ban MTTQ tỉnh; “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” do Tỉnh đoàn tổ chức; “ATGT vì hạnh phúc gia đình” và “Đội mũ bảo hiểm vì sự an toàn cho trẻ thơ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; cuộc vận động “Hội viên nông dân tham gia giữ gìn TTATGT của Hội Nông dân tỉnh; Kế hoạch liên ngành Công an - Tỉnh đoàn - Đại học Thái Nguyên và Văn phòng Ban ATGT về tuyên truyền Luật Giao thông trong học sinh - sinh viên; cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước 2011 - 2015”.

IMG_9720

Sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả trong công tác ATGT đã tạo thành phong trào sâu rộng hưởng ứng Năm ATGT Quốc gia và thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, kiềm chế và đẩy lùi TNGT trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở xác định đúng các yếu tố gây tai nạn trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên đã tập trung triển khai những giải pháp cụ thể, thiết thực. Điển hình là sự vào cuộc quyết liệt đẩy mạnh tuyên truyền của các cấp, các ngành và lực lượng chức năng, đặc biệt là tập trung tuyên truyền cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn có thói quen sử dụng rượu bia trong các dịp lễ, Tết và đội ngũ lái xe chuyên nghiệp. Chính quyền địa phương cũng đưa tiêu chí đánh giá khu dân cư, gia đình văn hóa, hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia trong các đám hiếu, hỷ ở khu vực nông thôn, miền núi.

Đồng thời, sự phát triển của các phương tiện vận tải công cộng như xe bus, taxi đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là dịch vụ taxi phục vụ tại các nhà hàng, các vùng nông thôn, góp phần hạn chế tình trạng uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Vẫn còn những bài toán khó

Mặc dù TNGT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những bước chuyển mình tích cực, đáng ghi nhận nhưng ông Long cho rằng, một địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo TTATGT sẽ rất khó khi các địa phương khác chưa thực hiện tốt. Bởi lẽ, khi người dân và phương tiện thiếu ý thức ở các tỉnh khác đi qua và gây tai nạn trên địa bàn tỉnh thì tai nạn lại được tính trên địa phương này. Trong  khi đó, các cơ quan chức năng của địa phương đã nỗ lực tuyên truyền nâng cao được ý thức của người dân của tỉnh và kiềm chế rất tốt tình hình TNGT trên địa bàn.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1 triệu người, cùng với đó, khu công nghiệp Yên Bình với 2 nhà máy của Samsung đi vào hoạt động đã thu hút gần 70 nghìn người lao động, trong đó, số lượng người ở các tỉnh khác về là rất lớn khiến dân số tại Thái Nguyên tăng lên đáng kể. Vì vậy, ông Long cho rằng, việc giữ được số vụ TNGT xảy ra bằng năm ngoái đã được coi là giảm”.

Về vấn đề này, Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT là do phương tiện giao thông tăng nhanh, mật độ xe đi lại cao, nhiều xe tải trọng lớn, xe container gây cản trở giao thông. Trong khi đó, hạ tầng giao thông lại không đáp ứng kịp sự tăng trưởng nhanh chóng của phương tiện, tổ chức giao thông hỗn hợp có ít tuyến giao thông được phân làn. Vì vậy, vi phạm hành lang ATGT còn tồn tại nhiều, chưa được khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật còn hạn chế, sự chủ quan của người tham gia giao thông là những nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Cụ thể là tình trạng lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông còn khá phổ biến, đặc biệt trong những ngày Tết và lễ hội; việc lấn chiếm làn đường, vỉa hè, hành lang giao thông để kinh doanh, họp chợ vẫn xảy ra; đường ngang dân sinh mở trái phép qua đường sắt còn tồn tại nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chưa được giải tỏa kịp thời; các điểm đen - vị trí có nguy cơ gây TNGT trên các tuyến đường tỉnh, huyện đã được xác định song còn chậm khắc phục do không bảo đảm kinh phí…

Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo TTATGT với nhiều sáng tạo và giải pháp thiết thực gắn liền với thực trạng.

Theo đó, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ tăng cường biên chế, trang, thiết bị, phương tiện cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT. Đặc biệt là cần có cơ chế bố trí nguồn kinh phí hoạt động cho Ban ATGT và lực lượng công an cấp xã, phường, thị trấn để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT ngay từ cơ sở.

Ý kiến của bạn

Bình luận