“Trá hình” tinh vi
Chiều ngày 24/12, sau khi tiếp nhận thông tin, ông Đào Việt Long – Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cùng Nhóm PV lấy số điện thoại “mời đặt chỗ” trên website của Cty cổ phần Ninh Quỳnh và gọi điện đặt chỗ từ Hà Nội đi Lạng Sơn.
Đầu kia, nữ nhân viên nói: “Cứ 30 phút lại có một chuyến; giá vé là 200 nghìn đồng, anh đi chuyến nào?. Chúng tôi đặt 2 vé đi Lạng Sơn ở các khung giờ 16h và 17h, tại điểm đón là bến xe Nước Ngầm vào chiều cùng ngày và được cô nhân viên dặn: “Xe không vào bên trong bến xe Nước Ngầm, các anh cứ ra ngoài cổng ra của bến, hoặc anh tới trụ sở chính ở địa chỉ 168 Ngọc Trì, Long Biên để lên xe”.
Xe tuyến cố định của Cty Ninh Quỳnh chạy vượt tuyến, đón trả khách trái phép tại nhiều tuyến phố nội đô |
Lúc chúng tôi có mặt (17 giờ) tại cổng ra bến xe Nước Ngầm, một số hành khách lỉnh kỉnh đồ đạc đang chờ xếp lên chiếc xe Limousine mang nhãn hiệu “Ninh Quỳnh Car Vip”. Sự nhộn nhịp, đông đúc của nơi này không thua bến xe “xịn” cách đó vài bước chân.
Trên chiếc xe 29B-403.91, lái xe Ninh Quỳnh tiết lộ với chúng tôi rằng. Tại bến xe Nước Ngầm, Cty Ninh Quỳnh chỉ đăng ký vài “nốt” lấy lệ, còn chủ yếu dùng xe mang phù hiệu hợp đồng, đón khách tại văn phòng của nhà xe, tại các “bến cóc” trong nội thành và dọc đường.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi gom khách từ khu vực nội thành Hà Nội, các xe Ninh Quỳnh tiếp tục di chuyển về “bến xe” chính nằm trên trên quận Long Biên để xếp khách. Điểm đón khách của nhà xe này có địa chỉ tại số nhà 168 Ngọc Trì ghi biển “Ninh Quỳnh Car Vip” (không có chức năng đón khách), nhưng thực chất đây là một “bến cóc” với đầy đủ điểm đón tiếp, phòng chờ, bãi đậu xe, nơi tiếp nhận hàng hóa. Mỗi ngày, tại đây có hàng chục lượt xe khách dừng, đỗ xếp khách gây ùn tắc giao thông.
Sau khi xuất bến xe Nước Ngầm, thay vì chạy đúng lộ trình về Lạng Sơn, chiếc xe mang BKS 29B-402.46 của Cty Ninh Quỳnh chạy lòng vòng qua bến xe Giáp Bát, vào một khu dân cư nằm trên đường Giải Phóng đón khách. |
Đi sâu vào tìm hiểu việc Cty Ninh Quỳnh sử dụng xe hợp đồng chạy “trá hình”, thu tiền, bán vé trực tiếp trên xe. Ngoài ra, các xe này thường xuyên chạy lòng vòng trong các tuyến phố nội đô trong tất cả các khung giờ để đón khách, là thủ phạm gây ùn tắc giao thông, mất trật tự ATXH.
Thu tiền, bán vé gây “choáng”
Vì xe hợp đồng chuyên chở hành khách theo đoàn nên Cty Ninh Quỳnh phải lập danh sách hành khách đi xe. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, bản danh sách chỉ được lập ra để đối phó. Sau khi hành khách lên xe, nhà xe dò hỏi tên và địa chỉ của hành khách để điền vào trong hợp đồng. Khi xe lăn bánh, với vẻ mặt cau có, lái xe: “Xin lỗi phiền hành khách, tôi thu 200 nghìn tiền vé”. Sau đó, lái xe này đi thu tiền từng khách và xuất tấm vé BX Nước Ngầm – BX phía Bắc (Lạng Sơn).
Mặc dù là xe hợp đồng, nhưng xe Ninh Quỳnh tổ chức bán vé, thu tiền trực tiếp ngay trên xe |
Quan sát kĩ tấm vé này có đầy đủ tuyến đường, số xe, số ghế, giá cước…Đặc biệt, trên tấm vé này thể hiện giá cước đã bao gồm thuế GTGT 10% và bảo hiểm hành khách.
Trong khi đó, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (theo đó, xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định).
Chúng tôi tính sơ bộ, với mức giá 200.000 đồng/khách x 9 khách (xe 10 chỗ), mỗi lượt xe khách trá hình từ Hà Nội – Lạng Sơn tổng thu 1,8 triệu đồng và ngày 6 lượt đi-về (tương đương 3 quay) là 10,8 triệu đồng. Việc trốn được 10% thuế VAT từ tiền bán vé, mỗi xe đã gây thất thu thuế 1,80 triệu đồng/ngày; cộng với 2 lần không mất phí dịch vụ bến xe (khoảng 60.000 đồng/lần) thì mỗi chiếc xe khách trá hình này thu lời (phi pháp) cao hơn xe khách “xịn” đăng ký hoạt động trong bến và chạy cùng tuyến tới 2.200.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể xe khách trá hình còn trốn được thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, tổng số tiền trốn các loại thuế, phí của mỗi chiếc xe khách trá hình trong một năm lên tới vài trăm triệu đồng-khoản tiền này là không hề nhỏ.
Bến xe Nước Ngầm tiếp tay cho xe Ninh Quỳnh?
Chiều ngày 25/12, ông Đào Việt Long cùng PV trực tiếp thị sát Văn phòng đại diện của Công ty Ninh Quỳnh và đóng vai hành khách vào bến xe Nước Ngầm để kiểm tra.
Văn phòng của Cty Ninh Quỳnh tại số 168 Ngọc Trì, Hoàng Mai (Hà Nội) kiêm chức năng như một “bến xe”, mọi hoạt động đón, trả khách diễn ra cả ngày lẫn đêm |
Lúc này, tại vị trí chờ tài có một xe của Công ty Ninh Quỳnh chờ đến giờ xuất bến (không có khách), quầy bán vé của Công ty Ninh Quỳnh không hoạt động. Khi hỏi nhân viên điều độ của bến xe muốn mua vé đi xe Ninh Quỳnh về Lạng Sơn thì mua vé ở đâu thì được trả lời “tuyến Lạng Sơn không cần mua vé”. Chúng tôi trực tiếp tiếp cận nhân viên của nhà xe thì được hướng dẫn chờ để điện thoại về Công ty, sau cuộc điện thoại báo có 02 khách đi Lạng Sơn, chúng tôi được mời lên xe.
Khi hỏi nhân viên việc chỉ có 02 khách vẫn đi Lạng Sơn và chưa đến giờ xuất bến (16h00) có đi được luôn không thì được trả lời: xe sẽ xuất bến luôn, không cần chờ đến giờ xuất bến và xe này sẽ đi qua Văn phòng tại Cổ Linh (Long Biên) để xếp khách, sau đó sẽ về Lạng Sơn.
Ngạc nhiên trước việc không phải mua vé tại bến xe và xe có thể xuất bến trước thời gian được chấp thuận, ông Đào Việt Long đã yêu cầu lãnh đạo bến xe Nước Ngầm tổ chức kiểm tra, làm rõ, báo cáo Sở GTVT Hà Nội.
Chiều 25/12, ông Đào Việt Long - Trưởng phòng quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) đi ”thị sát” bắt quả tang xe Ninh Quỳnh không tổ chức bán vé và có hành vi chạy sai giờ tại bến xe Nước Ngầm |
Đồng thời đề nghị lãnh đạo Thanh tra Sở chỉ đạo Thanh tra GTVT quận Long Biên khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải tại Văn phòng đại diện và bãi đỗ xe trước cửa Văn phòng của Công ty Ninh Quỳnh ở 168 Ngọc Trì, Long Biên. Bên cạnh đó tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động toàn bộ các phương tiện của nhà xe Ninh Quỳnh qua thiết bị GSHT để xử lý theo quy định.
Trao đổi với PV, ông Đào Việt Long cho biết thêm: “Việc kiểm tra, giám sát qua thiết bị GSHT được là một “kênh” cung cấp thông tin chính xác để xử lý các phương tiện vi phạm giao thông, vi phạm quy định vận tải. Hiện nay, việc tra cứu dữ liệu đã đạt được hiệu quả nhất định trong quản lý, giám sát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, qua hệ thống phần mềm vẫn chưa xử lý được triệt để các vi phạm xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định về: dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, xe chạy vượt tuyến, chạy sai hành trình so với chấp thuận của cơ quan quản lý, gây khó khăn trong trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.
Mặc dù, mỗi ngày Cty Ninh Quỳnh có hàng chục lượt xe đón, trả khách tại văn phòng 168 Ngọc Trì, Long Biên nhưng khi được hỏi, lực lượng TTGT quận Long Biên lại một mực chối bỏ và tỏ ra thiếu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn. |
Việc tra cứu, xử lý vi phạm của phương tiện chỉ dựa vào kiểm tra hiện trường, các thông tin tiếp nhận qua phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, người dân,.. Dẫn đến việc quản lý chưa được bao quát, chưa có kết quả tổng hợp vi phạm giống như vi phạm thời gian lái xe liên tục, vi phạm tốc độ…
Để giải quyết các bất cập trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng lại phần mềm quản lý qua thiết bị GSHT, trong đó cập nhật đầy đủ thông tin vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, dừng đón trả khách sai quy định, vi phạm vượt tuyến, sai hành trình so với chấp thuận khai thác tuyến (theo phần mềm quản lý GPS do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thí điểm đối với tuyến vận tải hành khách Hà Nội – Hải Phòng)”.
Trước đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã đình chỉ Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm vì để tái diễn tình trạng “bến cóc” tồn tại trên địa bàn quận được giao quản lý.
Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.