Gần một năm sau khi ngành than tuyên bố đợt giảm giá đã kết thúc, nhiên liệu hoá thạch này nay mới thực sự tăng giá ngoạn mục nhất trong vòng nửa thập kỷ, và trở thành một trong những mặt hàng “hot” nhất trong số những hàng hoá quan trọng.
Giá than nhiệt Australia tại cảng Newcastle – tham chiếu cho toàn thị trường than châu Á – đã tăng trên 35% kể từ giữa tháng 6 tới nay và hiện đạt mức cao nhất trong vòng hơn một năm, là gần 70 USD/tấn, sau khi nhập khẩu vào Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh. Tính từ cuối tháng 1, giá than đã tăng gần 42%.
Trước đó, giá than nhiệt đã giảm 70% từ năm 2011 đến cuối năm 2015.
“Khách hàng Trung Quốc đang lấy lại vị thế chi phối thị trường nguyên liệu bằng việc chuyển trạng thái từ dư cung về lại mức cân bằng”, ngân hàng Goldman Sachs viết trong một thông báo ngày 16/8 gửi tới khách hàng của mình, đảo ngược dự báo về triển vọng ảm đạm trong thông báo phát đi hồi tháng 9 năm ngoái.
“Việc hạn chế sản xuất trong nước hồi đầu năm nay (ở Trung Quốc) đã đẩy giá trên thị trường quốc tế tăng lên, và than đá trở thành một trong những hàng hoá tăng giá mạnh nhất từ đầu năm tới nay”.
Giá than tại cảng Tần Hoàng Đảo tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã tăng gần 22% trong năm nay.
Không chỉ những công ty khai thác mỏ lớn như Glencore và Anglo American mà cả những công ty trong khu vực châu Á như Banpu của Thái Lan đều đang hưởng lợi từ điều này.
Cổ phiếu của cả 3 công ty này đều tăng giá mạnh trong năm nay, đặc biệt tăng mạnh trong mấy tháng gần đây sau khi Trung Quốc cắt giảm 16% số ngày khai thác mỏ từ tháng 4 vì mục tiêu giảm 250 triệu tấn công suất sản xuất trong năm nay.
Tháng 7/2016, Trung Quốc chỉ sản xuất được 270 triệu tấn than, giảm 13,1% so với một năm trước đó. Sản lượng trong 7 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Việc cắt giảm 95 triệu tấn sản lượng trong 7 tháng đầu năm, mục tiêu giảm 250 triệu tấn trong năm nay của Trung Quốc có thể không đạt được.
Banpu, chủ sở hữu một số mỏ xuất khẩu lớn ở khắp khu vưc châu Á – Thái Bình Dương, dự kiến giá bán than trung bình năm 2016 sẽ trên 50 USD/tấn, tăng so với mục tiêu ban đầu là 47 – 48 USD/tấn, nhờ giá gần đây tăng mạnh.
Giá hồi phục mang lại niềm vui cho các thợ mỏ, những người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá than giảm kéo dài suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, hầu hết các mỏ than trên thế giới đã bị tổn thất lớn bởi đợt suy giảm kéo dài vừa qua, và nhiều mỏ đã phải đóng cửa hoặc bán tài sản, nên chỉ một số mỏ còn tồn tại mới được hưởng lợi từ đợt tăng giá này.
Thắng lớn nhất là các mỏ than Australia, nhờ sản xuất loại than chất lượng cao. Indonesia – nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới – đã bị giảm mạnh sản lượng trong giai đoạn giá giảm, và hầu hết cả mỏ ở đây không thể tăng sản lượng lúc này bởi nợ nần.
Hiệp hội Khai thác Than Indonesia cho biết xuất khẩu than nước này năm nay sẽ chỉ ở mức 300 triệu tấn như năm ngoái, và năm tới cũng vẫn tương tự, mặc dù các nhà sản xuất sẽ nỗ lực tăng sản lượng trong năm 2017 nếu giá tiếp tục cải thiện. Sản lượng than năm nay dự báo sẽ giảm xuống 400 triệu tấn, so với 440 triệu tấn năm 2015.
Giá than tăng mạnh trái ngược hẳn với dự đoán trước đây của nhiều tổ chức lớn, như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Goldman Sachs – năm ngoái đã từng cho rằng kỷ nguyên vàng" của than ở Trung Quốc dường như đã qua, đồng thời hạ dự đoán nhu cầu than thế giới từ nay đến năm 2020 bởi quá trình tái cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc, các chính sách của chính phủ nước này hướng tới ứng phó với những thách thức về môi trường sẽ tác động tới nhu cầu sử dụng than ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Theo báo cáo tháng 12/2015 của IEA, tỷ trọng than trong tổng sản lượng năng lượng của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 29% xuống còn 27% vào năm 2020.
Do đó, việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu than là mọt điều bất ngờ. Thông báo mới nhất của Goldman viết: “Giá than thế giới sẽ được hỗ trợ tăng trong tương lai”, theo đó nâng dự báo về giá than Newcastle trong 3, 6 và 12 tháng tới lên 65 USD/62 USD/60 USD/tấn, tăng 38% so với dự báo trước đây.
Giá than tăng trở lại có sự hậu thuẫn từ các cường quốc công nghiệp châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, và nhu cầu tiếp tục vững ở Ấn Độ, Việt Nam và Philippines.
Nhật Bản đã sử dụng khối lượng kỷ lục nhiên liệu hoá thạch để phát điện sau thảm hoạt hạt nhân Fukushima khiến các nhà máy điện nguyên tử bị dừng hoạt động, trong khi Hàn Quốc kế hoạch xây mới 20 nhà máy điện sử dụng nguyên liệu rẻ nhất này trước năm 2022.
Tiêu thụ điện của Trung Quốc cũng tăng vượt dự đoán, tăng 8,2% trong tháng 7 so với cùng tháng năm ngoái, đạt 552,3 tỷ kWh. Trong tháng 7, Trung Quốc đã sản xuất được 550,6 tỷ kWh, tăng 7,2% so với tháng 7 năm ngoái. Sản lượng trong 7 tháng đầu năm tăng 2% lên 3,3121 nghìn tỷ kWh.
“Lĩnh vực công nghiệp (ở Trung Quốc) tăng trưởng mạnh mẽ trở lại thúc đẩy các nhà máy điện tăng công suất, giúp tăng nhu cầu than trong tháng qua”, ngân hàng Macquarie cho biết.
Nhập khẩu than vào Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay tăng 6,7% lên 129,17 triệu tấn. Tuy nhiên, yếu tố Trung Quốc tăng nhập khẩu liệu có bền vững không?
Theo ước tính sơ bộ của bộ phận Nghiên cứu và Dự báo hàng hoá của Thomson Reuters thì nhập khẩu than vào Trung Quốc trong tháng 8 sẽ giảm mạnh so với mức 18,92 triệu tấn của tháng 7, xuống chỉ 13,07 triệu tấn. Do vậy tổng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm sẽ chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu vào Ấn Độ tháng 8 cũng có xu hướng giảm, và số liệu của Thomson Reuters cho thấy trong 8 tháng đầu năm nhập khẩu than vào Ấn Độ sẽ giảm khoảng 3,8% so với 139,3 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Nếu qua tháng 8 mà giá than vẫn tiếp tục tăng thì có thể kết luận rằng giá than tăng không phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ, và xu hướng tăng của những tháng qua báo hiệu một chu kỳ mới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.