Tháo gỡ nút thắt trong cơ chế thu hút đầu tư BOT

Tác giả: Nam Cường

saosaosaosaosao
Thị trường 22/06/2017 12:30

BOT là mô hình đầu tư rất tốt, là một trong những giải pháp hỗ trợ cho vốn đầu tư công. Đây có thể coi là “nguồn dẫn”,“vốn mồi”, góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt trong giai đoạn tới, trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, BOT có thể là một trong những liệu pháp “cứu cánh” nâng cấp kết cấu hạ tầng ở nước ta. Tuy nhiên, để nhà đầu tư tư nhân tích cực tham gia các dự án PPP thì cần khung chính sách pháp lý ổn định. Với các dự án BOT có vòng đời dài, nếu khung chính sách của Việt Nam thiếu ổn định thì sẽ khó thu hút được nhà đầu tư tham gia.

img-tram-thu-phi-lo-te-thot-not-1491207260200

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho các nhà đầu tư, Nhà nước cần sớm ban hành luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để các quy định được rõ ràng, minh bạch. Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước liên tục thay đổi dù hợp đồng đã được ký kết, khiến nhà đầu tư không thể lường hết rủi ro. Khi đã có luật, nhà đầu tư được quyền chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay, ngoài vốn tín dụng trong nước, có thể huy động nguồn vốn nước ngoài với lãi suất rẻ hơn. Tuy nhiên, luật cũng cần phải quy định rõ, nếu nhà đầu tư tìm kiếm được nguồn vốn tốt, mức lãi suất rẻ hơn so với quy định khung thì sẽ được hưởng.

Hiện nay, hệ thống pháp luật điều chỉnh chưa hoàn thiện, còn có những bất cập cùng với tính chất mới và phức tạp của hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Do đó, Bộ GTVT đang xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông, trước mắt là dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 16/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tính hiệu quả của việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục gỡ khó về cơ chế để có thể tiếp tục triển khai mạnh mẽ phương thức đầu tư này. Thủ tướng nhấn mạnh: “Khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư qua hình thức PPP đã rõ. Công việc quan trọng hiện nay là phải tập trung nghiên cứu thể chế về PPP để tháo gỡ bằng được những khó khăn”. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính hình thành thể chế mới về PPP trên tinh thần tháo gỡ những vướng mắc, những nút thắt hiện nay.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, thời gian qua chúng ta thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua cơ chế của hình thức BOT mới được một nửa. Tức là, chúng ta khẳng định được việc Nhà nước và nhân dân cùng làm là tốt, cần và được xã hội ủng hộ. Hợp tác BOT phải hài hòa được lợi ích của 3 bên, không để lợi ích chỉ nghiêng về nhóm doanh nghiệp. Thời gian qua báo chí có thông tin về trường hợp dự án BOT được triển khai trên nền tảng là dự án đầu tư của Nhà nước được làm từ trước, nay trải thảm nhựa một chút trên bề mặt, lập trạm thu phí. Từ câu chuyện này chúng ta cần có sự phân định rõ ràng giữa PPP (trong đó có dự án BOT) từ đầu hay không từ đầu là khác hẳn nhau.

Trước những tồn tại, bất cập của các dự án BOT thời gian qua, tới đây Bộ GTVT sẽ nghiên cứu các dự án có sự tham gia hỗ trợ của nguồn vốn nhà nước. Cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu, tính toán, dự án nào có lưu lượng thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài thì phần vốn hỗ trợ của Nhà nước cho dự án sẽ phải lớn để đảm bảo dự án khả thi. Đồng thời, các dự án sẽ được tiến hành đấu thầu tổng mức đầu tư dự án sau khi có thiết kế kỹ thuật. Hiện nay, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư (trong trường hợp đấu thầu rộng rãi) làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn. Các cơ quan nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Để tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông theo hình thức BOT thì vấn đề lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư phải được điều chỉnh tăng lên, bởi lãi suất vay ngân hàng mà doanh nghiệp phải trả đã lên tới gần 11 đến 12%. Trong khi thời gian qua, lợi nhuận của các dự án BOT đều bị khống chế ở mức 11,5% trở xuống, như thế là rất thấp.

Ý kiến của bạn

Bình luận