Vượt lên khó khăn để tăng trưởng
Sáng 24/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) về kết quả công tác 4 tháng đầu năm và định hướng phát triển của lĩnh vực trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc với Cục ĐTNĐ VN |
Cùng làm việc với Bộ trưởng có Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT.
Báo cáo với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Cục trưởng Cục ĐTNĐVN Hoàng Hồng Giang cho biết, Cục ĐTNĐVN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên mọi mặt, trong đó: công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước được cải thiện; triển khai 4 Đề án được phê duyệt, trình Bộ 2 dự thảo Đề án mới; vận tải hàng hóa tăng 5,4%, vận tải hành khách tăng 4,7% so với cùng ký 2015; vận tải ven biển đến hết Quý I/2016 đã có 9.320 lượt phương tiện mang cấp VR-SB vào và rời cảng, bến TNĐ, cảng biển với gần 11 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển.
Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả với 90% văn bản tại cơ quan Cục và các đơn vị được xử lý, điều hành qua hệ thống văn phòng điện tử I-River…. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống các tuyến vận tải chính đạt 41% tại khu vực phía Bắc; đạt 13% tại khu vực miền Trung; đạt 67% tại khu vực phía Nam.
Trong 4 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa ĐTNĐ tăng 5,4%, vận tải hành khách ĐTNĐ tăng 4,7% so với cùng ký 2015 |
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho rằng, ngành ĐTNĐVN hiện tồn tại sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước, thiếu các cơ chế pháp lý đặc thù để khuyến khích sử dụng và phát triển vận tải thủy; tổ chức quy hoạch chưa đáp ứng được yêu câu; nhiều địa phương triển khai chậm việc lập và quản lý quy hoạch phát triển GTVT ĐTNĐ (16/63 tỉnh, thành) và quy hoạch phát triển hệ thống bến TNĐ, bến khách ngang sông của địa phương (5/63 tỉnh, thành; triển khai các đề án đã được phê duyệt vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù và kinh phí.
Theo Cục trưởng, nguồn vốn bảo trì từ năm 2010 đến 2015 chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu; các dự án phân kỳ đầu tư kéo dài thời gian, chưa được bố trí vốn để khởi động; huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy không hấp dẫn nhà đầu tư; vướng mắc về thủ tục cấp phép, đăng ký trữ lượng sản phẩm, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xã hội hóa nạo vét duy tu luồng ĐTNĐ theo hình thức tận thu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Vận tải container bằng ĐTNĐ ở khu vực đồng bằng sông Hồng chưa phát triển đúng với tiềm năng, còn thiếu các giải pháp đồng bộ để khuyến khích dịch chuyển hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy từ các cảng đi các tỉnh phía Bắc.
Thay đổi cách tiếp cận
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của Cục ĐTNĐVN để nâng cao được thị phần vận tải của ngành ĐTNĐ. Bộ trưởng cho rằng, việc đầu tư phát triển lĩnh vực ĐTNĐ phải được xác định là nhiệm vụ chiến lược của ngành GTVT trong tái cơ cấu vận tải. Bởi lẽ, so với các nước khác thì Việt Nam có thế mạnh rất lớn về ĐTNĐ. Trước sự quá tải của đường bộ như hiện nay thì phát triển vận tải thủy sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế đất nước, giảm thiểu TNGT và đặc biệt là cân bằng hợp lý hơn các hình thái giao thông, tránh sự lãng phí tài nguyên vốn có.
Bộ trưởng Trương Quang Nhĩa yêu cầu ngành ĐTNĐ phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý và huy động nguồn lực để có thể bật lên mạnh hơn nữa |
Trên cơ sở thực trạng của ngành, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực ĐTNĐ cần thay đổi cách tiếp cận trong quan điểm quản lý và đầu tư. Bởi lẽ, đây sẽ là cách hữu hiệu nhất giải quyết những khó khăn, tồn tại của lĩnh vực giao thông đường thủy dù thế mạnh của đất nước nhưng lại đang kém phát triển nhất.
“Ngành đường thủy cần thay đổi cách tiếp cận trong việc thu hút nguồn nhân lực chứ không thể trông chờ ngân sách nhà nước. Phải dẹp bỏ tư duy về cơ chế xin – cho, bởi cơ chế này sẽ kìm hãm động lực phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, nhiệm vụ số 1 hiện nay là phải làm sao để đề ra các chính sách khuyến khích được các thành phần xã hội tham gia cùng chúng ta.
“Bên cạnh việc thu hút nguồn lực thì chúng ta phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp. Rõ ràng trên thực tế, sau khi CPH, các doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn và đóng góp tích cực hơn cho xã hội” – Bộ trưởng khẳng định.
Liên quan đến việc phân cấp, phân quyền quản lý ĐTNĐ cho địa phương, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhìn nhận, việc giao quyền quản lý ĐTNĐ là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.
Tuy nhiên, các địa phương có năng lực khác nhau nhưng nhìn chung đều có thể đáp ứng được yêu cầu về quản lý ĐTNĐ. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng, Cục ĐTNĐVN cần nghiên cứu, xem xét cụ thể đặc trưng và năng lực riêng của từng địa phương để phân quyền cho phù hợp và hiệu quả, không thể phân quyền cho tất cả các địa phương giống nhau.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.