Thay thế cầu yếu ngoại thành Hà Nội: Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn

Thị trường 25/11/2017 15:37

Hà Nội hiện còn tới 30 cây cầu yếu hoặc vị trí cần có cầu qua sông, đại đa số nằm rải rác tại khu vực ngoại thành.


thay-the-cau-yeu
Người dân qua sông Bùi bằng đò kéo dây. Ảnh: Minh Tường

Theo các nhà quản lý, mức đầu tư cho những cây cầu này không nhiều, nhưng lợi ích mang lại cho người dân rất lớn.

Sức sống mới từ những cây cầu

Cầu Zét, xã Tốt Động (Chương Mỹ) - một trong 34 cây cầu được đưa vào danh mục cầu yếu cấp bách cần thay thế, xây mới của Hà Nội từ năm 2011. Cuối năm 2016, cầu Zét được xây mới lại với tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng. Người dân khu vực cho biết, trước đây cứ mưa lớn, nước lên là cầu Zét cũ bị ngập, chia cắt hai bên bờ sông, nhưng từ ngày có cầu mới, tình trạng này đã chấm dứt hẳn. Đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ thông tin thêm: Cầu Zét nằm trên trục đường liên xã, lại kết nối thẳng ra đường Hồ Chí Minh nên có vai trò rất quan trọng. Từ ngày có cây cầu mới, việc giao thương, đi lại của Nhân dân khu vực đã được đảm bảo tuyệt đối, kể cả trong mùa mưa lũ.

Tương tự, nhiều cây cầu tuy nhỏ, mức đầu tư từ 5 - 50 tỷ đồng, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông nông thôn của Hà Nội đã được hoàn thành đưa vào sử dụng như Từ Châu (Thanh Oai); Cầu Bầu (Ứng Hòa); Chi Phú (Ba Vì); Đào Xuyên (Gia Lâm)… Anh Trần Văn Hưng (Liên Châu, Thanh Oai) chia sẻ: “Trước đây, cầu Từ Châu nhỏ, yếu, chúng tôi phải đưa nông sản bằng xe thô sơ ra đường lớn để chất lên xe tải chở đi. Bây giờ có cầu mới to, xe tải vào tận nơi bốc hàng bà con phấn khởi lắm”.

Khó có thể diễn tả hết niềm vui và cả sự mong chờ của người dân ngoại thành đối với những công trình cầu tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn lao ấy. Trên công trường cầu Đầm Mơ bắc qua sông Bùi, nối 2 xã Quảng Bị và Hồng Phong (Chương Mỹ), anh Trịnh Đình Chung - một người dân địa phương cho biết, hiện muốn qua lại khúc sông này phải dùng đò kéo dây, đi lại rất nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. “Cả vùng có một cái chợ nằm bên kia sông, chúng tôi bên này muốn sang mua bán rất khó khăn” - anh Trung chia sẻ.

Công trình cấp thiết

Trên thực tế, khu vực ngoại thành Hà Nội hiện vẫn còn rất nhiều cầu cũ, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, tác động tiêu cực đến khả năng lưu thông và đời sống của Nhân dân. Có thể kể đến một số như cầu Cao Thiên (Thạch Thất), bề rộng 2,3m, hiện tại đã hư hỏng nặng, lại nằm trên trục kết nối Tỉnh lộ 419 với đường huyện DH10 đã được mở rộng mặt cắt lên 9m. Hay cầu Tây Ninh (Phúc Thọ), dầm thép đã bị han gỉ, trùng võng; lan can hầu như đứt gãy hết, 1/3 trên chiều dài nhịp cũng đã gẫy. Hoặc cầu Là (Thường Tín), lớp bê tông bên ngoài vỡ lần mòn, đã lộ cả cốt thép, tại các trụ, mố và bề mặt cầu; lan can nứt, gãy, gối thép han gỉ; cầu còn đang có hiện tượng lún…

Mặc dù đã cũ, hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song hàng ngày, người dân vẫn phải đi lại qua những cây cầu nêu trên. Đặc biệt, một số nơi chưa có cầu, người dân còn phải sang sông bằng đò hoặc làm cầu phao tự phát vô cùng nguy hiểm. Đơn cử như trên khúc sông Bùi, đoạn qua xã Thanh Bình (Chương Mỹ), chúng tôi đã chứng kiến một chuyến đò chở cả người lẫn xe máy qua sông mà người lái đò chỉ vịn vào dây thừng giăng ngang hai bên bờ sông để kéo đò di chuyển. Người dân khu vực này cho hay, đó là cách duy nhất để qua sông nên dù biết là không an toàn vẫn phải chấp nhận.

Trưởng phòng Kế hoạch, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Anh Đức cho biết: Theo khảo sát của các địa phương, trên địa bàn TP còn khoảng 30 cầu yếu và vị trí cần xây cầu để đảm bảo ATGT, kết nối khu vực nông thôn Hà Nội. Được biết, tổng mức đầu tư cho cả 30 cây cầu này khá khiêm tốn, chỉ trên 600 tỷ đồng, nhưng khi được xây dựng, đưa vào sử dụng sẽ mang lại có ý nghĩa rất lớn và vô cùng cấp thiết đối với đời sống của Nhân dân khu vực ngoại thành Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận