Khu vực trước sân bây Tân Sơn Nhất luôn là tâm điểm của ùn tắc |
Theo quy hoạch được duyệt thì hệ thống giao thông tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020 hoàn thiện sẽ phục vụ cho 25 triệu lượt khách. Tuy nhiên, năm 2016 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu lượt khách, dự báo năm 2017 là 36 triệu lượt hành khách và năm 2018 có thể cán mốc 40 triệu lượt khách. Sự gia tăng đột biến về lượng hành khách là nhờ các hãng hàng không giá rẻ. Đây là một thành tích đáng kể trong việc vận chuyển hành khách. Hành khách đi máy bay không còn chỉ là tầng lớp khá giả.
Chính vì việc tăng đột biến lượng hành khách khiến cho hạ tầng kỹ thuật cả bên trong và bên ngoài sân bay đều không thể đáp ứng được. Để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từ phân làn, điều tiết, cấm dừng đỗ… Nhiều dự án cũng đang được nghiên cứu, xây dựng mà tổng số theo Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, lên đến con số 22 dự án đã đang và sắp triển khai. Chúng ta biết rằng các công trình giao thông đòi hỏi thời gian và nhất là kinh phí rất lớn để đưa vào sử dụng, và không thiếu những bài học về các dự án lớn khi đưa vào hoạt động, do thiếu đồng bộ, đã không đạt hiệu quả như mong đợi. Trong trường hợp này, vấn đề ách tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đặt trong bối cảnh là cả thành phố cũng bị ách tắc nhiều hoặc ít ở các khu vực khác nhau.
Vấn đề giải quyết ách tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đòi hỏi một hệ thống giải pháp công trình và phi công trình. Một vấn đề phức tạp như vậy chỉ có thể giải quyết khi được người dân hiểu và ủng hộ. Để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn từ góc độ người dân với các giải pháp “phi công trình”.
Vận động hạn chế việc người thân đưa đón
Có thể nói rằng một hiện tượng khá đặc biệt là số người đưa đón ở sân bay TSN rất lớn, rất khác với các sân bay quốc tế khác. Một người đi hoặc đến có thể được 5-7 người đua hoặc đón. Vô hình trung, số lượng người ra vào sân bay đông lên rất nhiều, gấp 4-5 lần. Ở các sân bay quốc tế các nước khác, thường, nếu có, chỉ có thể là một người. Do đông người, mật độ dày đặc ở một khu vực diện tích hạn chế, nên các ghế chờ, hàng quán, cũng quá tải, gây ra cảnh nhếch nhác, kém vệ sinh ở phòng chờ. Nhiều người đi đưa đón, dẫn đến số lượng phương tiện, nhất là phương tiện cá nhân, ra vào sân bay quá nhiều. Nhiều người ra vào sân bay thì các dịch vụ ăn uống, mua sắm tăng thêm, làm gia tăng phương tiện vận chuyển.
Vấn đề đưa đón là tâm lý, tình cảm của một bộ phận người dân Việt, nhưng nên có cuộc vận động định hướng lại. Các cuộc đưa tiễn và đón rước nên diễn ra ở gia đình là tốt nhất mà cũng không kém phần tình cảm. Hãy kêu gọi người dân thay đổi thói quen để tham gia việc giải quyết ách tắc sân bay.
Hạn chế tối đa phương tiện cá nhân và tăng cường phương tiện vận chuyển công cộng
Với gần 40 triệu lượt hành khách/năm (theo dự báo cho năm 2018) thì trung bình mỗi ngày có hơn 100.000 hành khách đi đến sân bay TSN và nếu không hạn chế được người đưa đón thì con số có thể lên đến 400-500.000 người. Nếu chỉ có 20% số này dùng phương tiện cá nhân, thì sẽ có bao nhiêu xe máy ở bãi giữ xe sân bay.
Bãi giữ xe sân bay, được xây dựng mới, nâng số lượng chỗ đậu xe lên rất nhiều. Người dân có nhiều thuận lợi để gởi xe thì sao họ không dùng xe cá nhân. Phải hạn chế số lượng xe vào bãi thì người dân mới dần dần chuyển sang phương tiện vận chuyển công cộng. Như vậy mới có thể hạn chế tối đa xe máy lưu thông vào khu vực sân bay. Nếu cần thiết thì xây dựng bãi giữ xe xa hơn cho cả khu vực (Tân Bình). Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi bãi giữ xe sân bay! Phương án tốt nhất là cấm tất cả phương tiện cá nhân, kể cả ô tô ra vào sân bay. Những giải pháp cực đoan cần thiết trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Tăng cường tối đa xe buýt để thay thế xe máy, ô tô cá nhân. Xe buýt này có các trạm nối kết với các tuyến khác và các bến bãi taxi (nghiên cứu thành lập). Tần suất các xe buýt này nối kết với thời gian các chuyến bay đi và đến. Do vậy hệ thống xe buýt này nên để Ban Quản lý sân bay quản lý. Khống chế số lượng taxi ra vào sân bay.
Các loại xe buýt phải bố trí chỗ đựng hành lý cồng kềnh để hành khách có thể sử dụng. Hiện nay rất ít chỗ cho hành lý, nên mới chỉ có những người hành lý gọn gàng và “Tây ba lô” sử dụng xe buýt.
Hạn chế và cấm hẳn các loại phương tiện khác, không phục vụ việc đi lại bằng máy bay của hành khách, vào khu vực này. Chỉ dành cho các phương tiện vận chuyển hành khách và phục vụ dịch vụ sân bay. Các phương tiện “quá cảnh” không được vào đây. Đường Trường Sơn là giới hạn đỏ.
Tạo thuận lợi cho việc di chuyển bằng các phương tiện khác như xe khách, tàu hỏa. Theo nghiên cứu khách quan thì nhu cầu đi lại bằng máy bay gia tăng đột biến vì sự ra đời các hãng hàng không giá rẻ. Một vé đi lại trong phạm vi khoảng cách 400-500 km (như TPHCM – Nha Trang) cũng chỉ 400-500.000 đồng, còn rẻ hơn vé tàu lửa (giường nằm). Mua vé thuận lợi dễ dàng hơn mua vé tàu lửa, và quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách, chỉ khoảng 2-3 tiếng so với 10 tiếng đồng hồ (đi tàu lửa).
Cũng nên khuyến khích người dân sử dụng phương tiện khác, với những cự ly gần, nội địa. Các chuyến bay cự ly ngắn này nên xếp vào các giờ “đặc biệt”.
Có thể nói rằng để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông bên ngoài sân bay TSN, ngoài các giải pháp công trình thì sự tham gia của người dân, đi lại và không đi lại, và các đơn vị lâu nay được hưởng tiện lợi và quyền lợi phải có sự hy sinh cho quyền lợi chung.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.