Tỷ lệ trượt trong các bài thi số tự động của học viên vẫn giữ ở mức cao |
Từ 1/1/2016, Việt Nam đã chính thức triển khai chương trình đào tạo lái xe số tự động. So sánh giữa hai hình thức đào tạo số sàn và số tự động, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam nhấn mạnh: "Những người có nhu cầu có thể lựa chọn học và thi sát hạch trên xe số tự động, trên cơ sở học lý thuyết giao thông như chương trình học lái xe hiện hành, còn riêng thực hành thì chỉ học lái trên xe số tự động, với thời lượng học ngắn hơn so với xe số sàn. Nội dung sát hạch cũng ngắn hơn, xe số tự động không cần thiết sát hạch những nội dung đó. Khi sát hạch đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy phép lái xe với quy định chỉ được lái xe số tự động, không được lái xe số sàn".
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, tỷ lệ trượt trong các bài thi số tự động của học viên vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, theo kết quả khóa sát hạch lái xe số tự động hạng B1 đầu tiên trong cả nước tại Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô, Bắc Ninh, 50% học viên đã bị trượt.
Báo cáo phân tích các lỗi học viên thường mắc phải của Hội đồng sát hạch (Sở GTVT Bắc Ninh) chỉ ra, 20% các lỗi học viên mắc phải ở bài thi “ghép xe ngang”; 17% lỗi ở bài thi “ghép xe dọc”. Ngoài ra, 14% lỗi cũng nằm ở bài thi “khởi hành ngang dốc” – bài thi vốn được coi là thuận lợi với xe số tự động. Điều này cho thấy, việc học và thi sát hạch lái xe số tự động không hề đơn giản như nhiều người lầm tưởng.
Bên cạnh tỷ lệ trượt sát hạch số tự động còn giữ ở mức cao, thực tế, nhu cầu học và đăng ký thi hạng B1 này trong nhân dân cũng còn khá khiêm tốn.
Ông Dương Đức Quang, Trung tâm dạy nghề xe Bách Việt cho biết: "Nhìn vào tổng quát chung lượng người sử dụng xe, lượng người sử dụng số sàn rất nhiều, chiếm đa số chứ không phải tự động. Tất cả những người chạy taxi, xe tải đều đi số sàn. Số tự động đa số chỉ ở các thành phố, thị xã, trong khi đó tất cả toàn xã hội thì nhu cầu số sàn vẫn là chính, đào tạo số sàn là bài bản rồi".
Đồng tình về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe VOV đã có ý kiến về thực tế thực hiện quy định và các yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX số tự động hiện nay.
PV: Thưa ông Nguyễn Minh Tuấn, ông có đánh giá như thế nào về nhu cầu học và thi bằng lái xe số tự động của người dân hiện nay?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Theo đơn vị đào tạo thuộc Sở GTVT Tp.Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, số lượng người tham gia học số tự động không nhiều, so với số người tham gia học số sàn B2.
PV: Theo ông, vì sao có sự chênh lệnh về số lượng học viên học số sàn và số tự động như vậy, cũng như tỷ lệ trượt trong kỳ thi sát hạch của học viên vẫn còn ở mức khá cao?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Tùy thuộc vào từng đối tượng học viên. Có thể học viên có nhu cầu sử dụng phương tiện chỉ để đi lại cá nhân, còn có những đối tượng tham gia về kinh doanh vận tải. Theo tôi, người dân tìm hiểu chưa thật kỹ về nội dung và tất cả mọi việc liên quan đến sát hạch B1, B2, chưa hiểu rõ thế nào là xe số tự động, số sàn, thế nào là B1, B2. Giữa số tự động và số sàn, nói thì số tự động tuy là đơn giản nhưng vẫn phải có quá trình học tập và thực hành rất nhiều trên các tuyến đường.
PV: Ông có đề xuất gì để việc tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe số tự động được hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Để thu hút hơn thì tôi nghĩ đây chính là công tác tuyên truyền, làm sao truyền thông tốt để người dân hiểu về nhu cầu của mình. Nếu mình sử dụng làm kinh doanh vận tải thì học bằng B2, còn nếu sử dụng phương tiện theo nhu cầu cá nhân thì học bằng B1.
PV: Xin cảm ơn ý kiến của ông với chương trình
Như vậy, tỷ lệ học viên học lái xe số tự động hiện giữ ở mức thấp tại hầu khắp các địa phương trên cả nước. Điều này cho thấy tâm lý chung, người dân chọn học số sàn để sau này bằng lái sử dụng được nhiều việc hơn. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương cho rằng, việc duy trì đào tạo, sát hạch cấp GPLX số tự động vẫn là cần thiết, nhằm làm đa dạng sự lựa chọn cho người dân. Nếu người học xác định sau này chỉ lái xe số tự động thì việc theo học và thi loại bằng này sẽ giúp việc điều khiển phương tiện được chuyên sâu và vững vàng hơn.
Vấn đề cần lưu ý hiện nay là sự hướng dẫn, tuyên truyền nhiều hơn để người dân hiểu và thực hiện quy định, hạn chế những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai. Ngoài ra, mục tiêu chính của hoạt động đào tạo, sát hạch cấp GPLX là góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc và TNGT, do đó, dù ở bất kỳ hạng GPLX nào, hoạt động đào tạo, sát hạch vẫn cần được giám sát chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên. Mọi tiêu cực trong hoạt động này phải được quan tâm loại bỏ, để đảm bảo việc cấp GPLX được diễn ra nghiêm túc và đúng pháp luật trong thời gian tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.