Ảnh minh họa |
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong thời gian tới, một số sự kiện địa chính trị sẽ tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ, đẩy giá dầu lên mức cao hơn, nhất là trong bối cảnh các nguồn cung đang bị hạn chế. Trong đó, rủi ro lớn nhất là gián đoạn nguồn cung xuất phát từ Iran, Venezuela và Libya. Cả 3 thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện tại đều không tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh, trong đó có Nga kể từ tháng 1/2019 và sẽ kéo dài ít nhất cho tới tháng 6.
Thực tế, việc tham gia thỏa thuận của 3 nhà sản xuất dầu mỏ trên là bất khả thi, khi sản lượng của các quốc gia này hoặc đang giảm mạnh, hoặc gián đoạn bởi những rối loạn trong nước.
Đáng chú ý, đầu tuần này (22/4), chính quyền Mỹ cho biết, Mỹ sẽ không gia hạn đối với các khách hàng đang mua dầu mỏ từ Iran. Trước đó, có một danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu mỏ từ Iran mà không phải đối diện với các lệnh cấm vận từ Mỹ bao gồm Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ. Hạn cuối được giao dịch là ngày 2/5/2019.
“Quyết định này có mục tiêu đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran xuống mức không”, Thư ký Nhà trắng Sarah Sanders cho biết, đồng thời đưa ra thông điệp: “Mỹ, Ả Rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), 3 nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu, cũng như các đồng minh khác sẽ đảm bảo nguồn cung cấp dầu một cách ổn định ra thị trường”.
Ngay sau thông báo trên, giá dầu thô Brent giao tháng 6 đã tăng thêm 3,5%, lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, đạt 74,36 USD/thùng. Giới chức Mỹ từ chối cho biết sẽ xử lý ra sao với các quốc gia đã đặt hàng dầu mỏ từ Iran và nhận hàng sau ngày 2/5.
Theo giới quan sát, xung đột giữa Mỹ và Iran nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang. Một quan chức quân đội cấp cao của Iran từng đưa ra cảnh báo, quốc gia này sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, con đường dẫn tới vịnh Ba Tư, tuyến đường trung chuyển dầu mỏ lớn thứ 5 trên thế giới.
“Dựa theo luật quốc tế, eo biển Hormuz thuộc lãnh hải của Iran. Nếu bị ngăn cản sử dụng thì chúng tôi sẽ đóng cửa con đường này”, Fars - hãng thông tấn nhà nước Iran trích lời Alireza Tangsiri, người đứng đầu lực lượng hải quân Iran.
Trước đó, việc Mỹ bắt đầu áp đặt các lệnh cấm vận lên hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từng đẩy giá dầu lên mức 85 USD/thùng trong năm ngoái. Sau đó, giá dầu rơi xuống mức gần 50 USD/thùng trong quý IV/2018 nhờ việc Mỹ bất ngờ chấp thuận cho phép các quốc gia trong danh sách chờ được tiếp tục mua dầu mỏ từ Iran.
Bên cạnh Iran, tình hình rối loạn tại Libya và Venezuela có thể khiến nguồn cung trên thị trường bị thắt lại đột ngột, hệ quả là giá dầu leo dốc quá nhanh trước khi các nhà xuất khẩu khác kịp điều chỉnh nguồn cung.
Chưa kể, theo Bank of Merill Lynch, các rủi ro đối với giá dầu Brent đang cao hơn nhiều so với suy nghĩ của các thành viên thị trường. Trong đó, một yếu tố bị xem nhẹ là việc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) quy định ngưỡng giới hạn 0,5% đối với hàm lượng lưu huỳnh trong tất cả các nhiên liệu dùng để vận chuyển hàng hải. Theo các chuyên gia, quy định này sẽ làm tăng chi phí vận tải biển tới 30%. Hạn chót là tới 1/1/2020, tất cả các hãng vận tải sẽ phải tuân thủ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.