Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nghe báo cáo của đơn vị tư vấn và lấy ý kiến từ các địa phương về dự án tuyến Vành đai 3 Tp.HCM |
Ngày 29/12 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực địa tuyến đường Vành đai 3 của Tp.HCM cũng như nghe các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư báo cáo đầu kỳ của dự án này.
Tuyến đường Vành đai 3 có tổng chiều dài gần 90km đi qua địa phận Tp.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long an. Điểm bắt đầu của dự án là điểm nối từ đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại Nhơn Trạch ( Đồng Nai) và đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, Tp.HCM, Long An và kết thúc tại Bến Lức(nối vào tuyến Sài Gòn – Trung Lương).
Tuyến đường này gồm 4 phân đoạn: Trong đó đoạn 1 từ Nhơn Trạch – Tân Vạn với chiều dài 34,3Km, đoạn 2 từ Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 16,7Km. Phân đoạn 3 từ Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 dài 17,5Km và phân đoạn 4 từ Quốc lộ 22 đên Bến Lức với chiều dài 29,2Km.
Đơn vị tư vấn báo cáo công tác triển khai tại phân đoạn 3 giao cắt từ quốc lộ 22 đi Bến Lức |
Theo QĐ số 1697/QĐ-TTg ngày 28/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, một số vị trí khống chế hướng tuyến đối với đoạn 3 và 4 của dự án như sau: Điểm đầu tại Bình Chuẩn giao với đường Mỹ Phước – Tân Vạn sau đó tiếp tục giao cắt với Quốc lộ 13 tại Km 14+200 (đoạn gần Metro Bình Dương). Tuyến sẽ đi qua sông Sài Gòn tại cầu Bình Gởi (về phía hạ lưu cảng Bà Lụa) rồi tiếp tục giao cắt với Quốc lộ 22 tại Km 8+800. Từ đó tuyến đường sẽ đi song song Kênh An Hạ, qua Khu công nghiệp Mỹ Yên - Tân Bửu. Và đến điểm cuối giao với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Thứ trưởng Bộ GTVt Nguyễn Ngọc Đông đi kiểm tra thực địa điểm kết nối dự án tại tuyến đường tại Mỹ Phước Tân Vạn(Bình Dương) |
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn hiện nay, các quy hoạch của Long An, TPHCM & Bình Dương được tư vấn nghiên cứu và so sánh. Tuy nhiên, tại vị trí tiếp giáp giữa Bình Dương – Tp.HCM và giữa Tp.HCM-Long An có sự không trùng khớp về hướng tuyến.
Phát biểu tại hội nghị ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất với nghiên cứu các phương án tuyến đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Về phía địa phương, ông Liêm hy vọng dự án sẽ ưu tiên đoạn Nhơn Trạch – Tân Vạn vì đây là điểm giao cắt quan trọng và là tuyến trọng điểm nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi Tp.HCM và Đồng Nai. Đối với toàn dự án,UBND tỉnh Bình Dương mong muốn các phân đoạn sẽ được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Các công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng cần được thống nhất và cắm mốc cụ thể để không phải phát sinh trong những lần tiếp theo. Các đơn vị trong tỉnh đều thống nhất chủ trương hướng tuyến VĐ3 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được điều chỉnh để phù hợp với hướng tuyến theo quy hoạch của Tp.HCM.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương hy vọng dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ hơn để phù hợp với quy hoạch của tỉnh |
Đối với khu vực huyện Bình Chánh và vị trí tiếp giáp với huyện Bến Lức, Tư vấn nghiên cứu 3 phương án tuyến như sau: Phương án 1 là theo QH của huyện Bình Chánh. Phương án 2 là chỉnh tuyến đoạn cuối bám theo QH của Bến Lức. Và phương án 3 là nối thẳng hướng tuyến từ đầu xã Phạm Văn Hai nối về tuyến theo QH của Bến Lức. Tại buổi làm việc ngày 05/12/2016, UBND tỉnh Long An kiến nghị lựa chọn phương án 2 nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực xã Tân Hòa và xã Tân Bửu của huyện Bến Lức.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị và lấy ý kiến từ các địa phương như Tp.HCm, Long An, Bình Dương…Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn cần bám sát đề cương dự án có tiến độ cụ thể giữa các giai đoạn để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa. Khảo sát đầy đủ và có cơ sở để hạn chế điều chỉnh phát sinh về sau. Về phương án hướng tuyến đi qua các địa bàn Thứ trưởng thống nhất theo hướng tuyến mà tư vấn đề xuất. Đối với mặt cắt ngang của dự án, đơn vị cần đưa ra các phương án khác nhau như cắt ngang trên đất hoặc cắt ngang mặt đất kết hợp trên cao để phù hợp với từng địa phương đi qua. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc kết nối các điểm giao cắt phải được ưu tiên hàng đầu và luôn đảm bảo ATGT. Đồng thời dự án phải trả lại giao thông cho địa phương cũng như đảm bảo giao thông cho khu vực
Được biết đường Vành đai 3 này kết nối giữa các tuyến giao thông xuyên tâm như như QL13, QL22, đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, đường cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nhằm giảm áp lực giao thông đi xuyên qua trung tâm Tp.HCM. Khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại trung tâm Tp.HCM bằng cách từng bước chuyển hướng các phương tiện tải trọng lớn sang đường Vành đai. Do đó tuyến đường sẽ thúc đẩy phát triển kinh kế - xã hội các khu vực xung quanh tuyến đường này. Như vậy, việc đầu tư xây dựng các đoạn 3 và đoạn 4 thuộc đường Vành đai 3 là cần thiết và cấp bách nhằm khép kín đường Vành đai 3 đoạn 1, đoạn 2 và cao tốc Bến Lức –Long Thành đã và đang được đầu tư xây dựng. Khi hoàn thành, tuyến đường Vành đai 3 sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông của khu vực và kích thích phát triển kinh tế xã hội cho Tp.HCM, Đông Nam Bộ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.