Thông nhiều tuyến giao thông trọng yếu sau bão số 12

An toàn giao thông 07/11/2017 07:02

Đến ngày 6/11, nhiều tuyến đường trọng yếu khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã được thông tuyến, bảo đảm lưu thông.

 

Thông nhiều tuyến giao thông trọng yếu sau bão số
Đường đèo Nha Trang đi Đà Lạt, sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL 27C

Ông Đỗ Huy Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, từ đêm và sáng 6/11, QL 1A đoạn Đà Nẵng đi Quảng Ngãi bị chia cắt, lực lượng chức năng đã chặn đường, cấm phương tiện lưu thông tạm thời. Tuy nhiên, đến trưa đã cơ bản đã thông xe. 

Riêng đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Đà Nẵng đi Kon Tum có đến 7 điểm sạt lở nặng, hàng nghìn m3 đất đá sụt vùi lấp đường, nhiều nhất là khu vực đèo Lò Xo (Quảng Nam), Ngọc Hồi (Kon Tum). Do có lực lượng và phương tiện tại chỗ, kết hợp nỗ lực khắc phục, các điểm này đã dọn sạt và được thông tuyến.

Riêng đường Đông Trường Sơn, hiện vẫn còn nhiều điểm ách tắc do sạt lở núi, tập trung tại khu vực huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). 

Tại đường đèo Nha Trang đi Đà Lạt, sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL 27C đã gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Hơn 2.000 m3 đất đá lấp kín con đường. Cục Quản lý đường bộ 3 đang phối hợp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa tích cực triển khai công tác khắc phục suốt ngày đêm. 

Theo Cục Quản lý đường bộ 3, mặc dù các đơn vị chức năng đã huy động nhiều máy móc, thiết bị tập trung khắc phục, khơi thông các điểm sạt lở, lấp đường cả 2 đầu phía Lâm Đồng lẫn Khánh Hòa, nhưng do có quá nhiều điểm và khối lượng đất đá, cây cối vùi lấp rất lớn, nên công việc gặp rất nhiều khó khăn.

9/11 nữa mới thông đường sắt Bắc-Nam

Trong khi đó, ngành đường sắt đang tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư để thi công, bảo đảm tiến độ trả đường khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh và thông xe tốc độ 5km/h qua km1226+780 trước 12h ngày 9/11.

Theo Báo Giao thông, do hậu quả bão số 12, đường sắt Bắc-Nam qua khu vực Đèo Cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng trăm cây cối, cột thông tin tín hiệu, cột điện… đổ vào đường sắt, gây ách tắc. Đặc biệt, tại km 1226+780 khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường, treo ray, không thể chạy tàu.

Lãnh đạo ngành đường sắt đã thống nhất phương án xử lý sự cố này như sau: Làm tường chắn bê tông xếp rọ đá, giai đoạn 1 dùng khoan neo để xếp rồng đá, rọ đá để thông xe 5km/h.

Lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu TEDI South (đơn vị tư vấn thiết kế cho công trình xử lý sụt trượt này) xây dựng, đề xuất phương án xử lý các điểm có nguy cơ hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt khác trong vùng ảnh hưởng bão số 12.

Với các đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động bị hỏng, không hoạt động,… ngành đường sắt tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn chạy tàu từ hôm nay cho đến khi thiết bị hoạt động trở lại. Cùng với đó tổ chức phòng vệ, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ đối với các cột thông tin tín hiệu đường sắt bị đổ ra phía đường bộ. Các công ty thông tin tín hiệu đường sắt khu vực khắc phục các sự cố về thông tin tín hiệu, bảo đảm hệ thống thông tin tín hiệu hoạt động thông suốt trước ngày 8/11.

Hiện nay, ngành đường sắt vẫn tiếp tục tổ chức chuyển tải hành khách giữa 2 ga Hảo Sơn (Phú Yên) và Đại Lãnh (Khánh Hòa). Đồng thời bãi bỏ một số mác tàu, quay vòng các toa xe, đoàn tàu, tổ chức chạy tàu hợp lý…

Do ảnh hưởng của mưa lũ, từ ngày 5/11 đến nay, đường sắt qua khu vực Thừa Thiên-Huế bị ngập nặng, nhiều đoàn tàu phải chờ đường ở các ga.

Ý kiến của bạn

Bình luận