55-60% khách mua vé tháng
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành khai thác từ ngày 6/11/2021. Sau hơn 7 tháng khai thác, tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tính đến ngày 24/6, tuyến metro này vận hành hơn 230 ngày an toàn và vận chuyển hơn 3,846 triệu lượt khách, tỷ lệ tàu chạy đúng giờ đạt trên 99,98%. Tính cả thời điểm 15 ngày chở khách miễn phí và những ngày giãn cách xã hội, bình quân mỗi ngày tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được 16.652 hành khách.
Chi tiết hơn, trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông bình quân 8.000-10.000 khách/ngày. Còn hiện nay, lượng khách từ 20.000-24.000 khách, có những ngày đạt trên 30.000 khách/ngày.
"Đây là kịch bản tốt nhất trong phương án vận hành trong giai đoạn đầu được Bộ GTVT thống nhất với UBND TP.Hà Nội, giao Hà Nội Metro thực hiện, dưới sự hướng dẫn của các sở, ban, ngành và sự phối hợp của chủ đầu tư, tổng thầu”, ông Trường chia sẻ.
Sau hơn 7 tháng, một số kỷ lục của tuyến Cát Linh - Hà Đông được ghi nhận, gồm ngày đông khách nhất, giờ đông khách nhất và ngày có doanh thu cao nhất.
Theo đó, ngày thứ hai vận hành miễn phí (ngày 7/11/2021, trong 15 ngày đầu miễn phí) có nhiều người đi tàu nhất, với hơn 54.000 lượt hành khách. Còn tính từ khi chở khách có thu tiền, ngày Quốc tế Lao động 1/5/2022 đông khách nhất, với hơn 53.000 lượt, với trung bình mỗi giờ chở hơn 7.000 lượt khách và có doanh thu cao nhất (do phần lớn khách đi trải nghiệm, mua vé lượt).
“Từ khi hết giãn cách xã hội, học sinh, sinh viên đi học trở lại thì lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng từ 2,5 - 3 lần. Tuy nhiên, từ ngày 5/6 trở lại đây, khi học sinh, sinh viên nghỉ hè, lượng khách đã bắt đầu giảm 1.000-2.000 khách/ngày. Tới đây, chúng tôi cho rằng, sau ngày 15/8, khi học sinh đi học trở lại, lượng khách sẽ tăng.
Tỷ lệ hành khách đi vé tháng lúc đầu chỉ là 15-20%, còn hiện nay bình quân khách đi vé tháng trong ngày là 55-60%; vào giờ cao điểm sáng và chiều, khách đi vé tháng đạt tới 75-80%.
Điều này phản ánh nhu cầu thật sự của khách đi tàu, cho thấy bản chất là đối tượng cần ưu tiên số một đi đường sắt đô thị là đi thường xuyên vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc. Đây là những tín hiệu hết sức vui mừng”, Tổng giám đốc Hà Nội Metro Vũ Hồng Trường chia sẻ.
Phần lớn khách dưới 45 tuổi
Thông tin mới nhất được lãnh đạo Hà Nội Metro chia sẻ, vừa qua đơn vị phối hợp với Trường đại học GTVT, Trường đại học Công nghệ GTVT thực hiện khảo sát về tuyến Cát Linh - Hà Đông thông qua phỏng vấn trực tiếp 1.384 hành khách đi tàu và cho những kết quả hết sức bất ngờ.
Đó là đối tượng đi tàu 50% là nam giới và 50% là nữ, cho thấy không có sự phân biệt về giới tính khách đi tàu. Kết luận thứ hai là tàu Cát Linh - Hà Đông rất hấp dẫn với giới trẻ, bởi 85% khách đi tàu ở độ tuổi dưới 45 tuổi, lứa tuổi còn lại chỉ chiếm 15%.
Thứ ba, có 54% số người được hỏi mua vé tháng (trong số này có 7% mua cả vé tháng xe buýt), trong đó 52% đi lại thường xuyên, mỗi tuần đi ít nhất 5 buổi, không nói là đi cả thứ bảy, chủ nhật.
“Về mục đích chuyến đi, 47% người đi làm, 45% là học sinh, sinh viên đi học và 8% là đi mục đích khác. Đáng chú ý, 60% người được hỏi cho biết sở hữu từ 1-2 xe máy, 18% người có ô tô con nhưng đi lại bằng tàu Cát Linh - Hà Đông. Thông tin này nói lên sức hấp dẫn của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”, theo lãnh đạo Hà Nội Metro.
“Đáng mừng nhất, mà tôi nói nhiều lần là một tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông như là “ngôi sao cô đơn” nên chưa nói lên nhiều điều. Nhưng sau hơn 7 tháng vận hành, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được các “sao khác” trong làng vận tải khách công cộng như xe buýt, grab… chia sẻ. Điều này sẽ giúp tuyến Cát Linh - Hà Đông đạt những kết quả đáng mừng trên và sẽ tiếp tục phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn”, Tổng giám đốc Hà Nội Metro Vũ Hồng Trường chia sẻ thêm.
Theo Hà Nội Metro, tới đây Hà Nội sẽ triển khai dự án tăng cường kết nối giữa xe buýt, grab, phương tiện cá nhân, tuyến buýt nhanh BRT với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Trong đó, nghiên cứu cải thiện chỗ trông giữ phương tiện cá nhân cho khách đi tàu tại ga Cát Linh và Yên Nghĩa, ga Láng; cải tạo hạ tầng đê tăng cường kết nối với ga La Khê, kết nối buýt BRT và nhà ga tuyến Cát Linh - Hà Đông…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.