Chiếc phà đi từ bến đò Hồng Vân (Thường Tín - Hà Nội) sang bến đò Bình Minh (Khoái Châu - Hưng Yên) chở cùng lúc 6 ô tô. Ảnh chụp lúc 8h30 ngày 22/8/2019 |
Phà khách không phép “vô tư” chở ô tô băng sông Hồng
Bến phà Hồng Vân nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, nối liền địa phận huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với huyện Thường Tín, Hà Nội. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại bến phà này, thế nhưng tính mạng của họ đang bị các chủ bến phà coi nhẹ khi không được trang bị áo phao cứu sinh.
Sau khi Tạp chí Giao thông vận tải loạt bài viết: Trong mùa mưa bão, phà khách ‘vô tư’ chở quá tải trên sông Hồng, phản ánh tình trạng phà khách trên sông Hồng vô tư chở quá trọng tải cho phép. Dù trên mỗi con phà ở đây đều treo rõ biển ghi trọng tải cho phép là 48N/2 ô tô (48 người và 2 ô tô), nhưng trong suốt thời gian có mặt trên các chuyến phà, phòng viên ghi nhận, thực tế chuyến ít nhất cũng chở tới 3 ô tô, có những chuyến lên tới 6 đến 7 chiếc kèm theo hàng chục người và xe máy, xe đạp các loại. Việc chủ phà không chấp hành về an toàn đường thủy cộng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đang tiểm ẩn tai nạn nhất là trong mùa mưa bão.
Ngay sau đó, ngày 19/8, Sở GTVT TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra GTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm tại bến đò Hồng Vân, đặc biệt đối với các hành vi chở quá trọng tải cho phép, hành khách không mặc áo phao hoặc dụng cụ nổi khi qua sông…
Trong khoảng thời gian từ 7h đến 8h30 sáng 22/8, theo ghi nhận của phóng viên tại bến đò Hồng Vân cho thấy, có rất đông xe tải, ô tô con và người dân chờ qua phà.
Tại khu vực này, đường lên xuống bến khá dốc nhưng không có người của bến hướng dẫn phương tiện xuống phà, nên phương tiện lên xuống lộn xộn. Trên những chiếc phà có biển ghi rõ chỉ được phép chở 2 ô tô nhưng có những chuyến vẫn chở tới 6 xe tải trọng lớn. Giá thu đối với ô tô từ 30.000 - 120.000 đồng/xe tùy tải trọng còn với xe máy là 10.000 đồng/chiếc. Qua quan sát, trên phà ô tô, xe máy và khách khách chật kín nhưng trên lan can phà chỉ treo vài chiếc áo phao cứu sinh đã cũ kỹ và không ai mặc.
Hầu hết áo phao, phao cứu sinh đều đã cũ kỹ, được gấp xếp gọn gàng trên nóc phà. |
Qua tìm hiểu thông tin từ phía người dân ở gần các bến đò trên, chúng tôi được biết các bến đò chở ô tô quá số lượng cho phép là chuyện "bình thường". Buổi sáng và chiều tối, mỗi chuyến phà chở 5-6 xe tải, ô tô cùng khác qua sông. Những chuyến phá đối lưu phía tỉnh Hưng Yên cũng chở lượng ô tô qua đò không kém. Thậm chí có những xe tô, trọng tải hơn 10 tấn chạy rầm rập xuống phà, làm phà chòng chành khiến hành khách đứng hai bên lan can phà hoảng sợ.
Tại buổi làm việc với PV, ông Trần Danh Đán, chủ hộ kinh doanh phà khách qua sông tại bến đò Hồng Vân cho biết, ông có 2 phà mang số đăng ký là HN-1577 và HN-1599 và đã ký hợp đồng bến đò ngang Cẩm Cơ với xã Hồng Vân gần 20 chục năm nay. Lần gia hạn gần nhất theo hợp đồng là từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019. Theo thỏa thuận, mỗi năm ông Đán đóng vào ngân sách xã số tiền 200 triệu đồng.
Điều ngạc nhiên là trên chuyến phà mang số kinh doanh HN-1599 mà phóng viên đi có mặt lúc 8h sáng (thời điểm này phà chở 1 ô tô, 1 xe tải 8 tấn và khoảng 10 hành khách đi xe máy) mới bị lực lượng Thanh tra GTVT xử phạt hành chính do phà không được phép chở ô tô. Theo biên bản số N18/001439 do Đội Thanh tra GTVT Thường Tín lập ngày 6/8/2019, ông Trần Danh Đán thừa nhận lỗi và bị đình chỉ hoạt động phương tiện phà nói trên.
Dù không được cấp phép chở ô tô, tuy nhiên phà khách mang số hiệu HT-0610 “vô tư” chở ô tô trọng tải 15 tấn lưu thông qua sông Hồng. Ảnh chụp sáng ngày 22/8/2019 |
Thế nhưng trên thực tế, sau khi bị xử phạt, đình chỉ hoạt động và tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện đối với phà chở khách HT 0610 số đăng ký HN-1599 thì chiếc phà này vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn chở ô tô, xe tải qua sông Hồng như phương tiện HN-1599 mà chủ hộ kinh doanh này cùng sở hữu.
Trả lời chúng tôi về vấn đề trên, chủ phà Trần Danh Đán cho biết: “Tôi đã gửi hồ sơ chiếc phà mang số đăng ký 1599 sang Cục Đăng kiểm Việt Nam để xin được chở ô tô rồi nhưng họ chưa làm cho. Các anh ấy khuyên chi phí làm hồ sơ thiết kế phà có giấy phép chở ô tô tốn kém lắm (mất khoảng 100 triệu) nên linh hoạt mà hoạt động (?). Còn lực lượng chức năng cũng tạo điều kiện cho mình để phà này tăng cường chở ô tô, chở khách lúc đông đúc”.
Thanh tra giao thông vào cuộc, Cảnh sát đường thuỷ “thờ ơ”?
Sáng ngày 22/8, Tổ công tác gồm Thanh tra GTVT Thường Tín, Quản lý Đô thị huyện Thường Tín, CSGT huyện Thường Tín và chính quyền địa phương do ông Đặng Văn Minh, Đội trưởng Thanh tra GTVT Thường Tín làm trưởng đoàn đã có mặt tại bến đò Hồng Vân. Từ khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, chủ phà chỉ cho phép 2 ô tô lên 1 chuyến khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Trò chuyện với phóng viên, tổ công tác thừa nhận có tình trạng phà chở quá tải khi qua sông, hành khách không mặc áo phao hoặc dụng cụ nổi theo quy định. “Tuy nhiên để xử phạt hành chính vi phạm thì phải bắt quả tang. Mà cứ thấy bóng dáng lực lượng chức năng họ lại chấp hành nghiêm chỉnh nên có làm gì được đâu”, đại diện đoàn công tác huyện Thường Tín nói.
Lực lượng TTGT, CSGT kiểm tra hoạt động của các chuyến phà tại bến Hồng Vân và nhắc nhở hành khách mặc áo phao. Ảnh chụp lúc 10h ngày 22/8/2019 |
Khi phóng viên cung cấp hàng loạt video chứng minh vi phạm chở quá trọng tải của các chuyến phà, lực lượng chức năng cho biết quy định về xử phạt nguội chưa rõ ràng nên không thể xử lý được.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, những vụ tai nạn đường thủy thường rất nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề và tác động xấu đến đời sống xã hội… Tại các cuộc họp trực tuyến của Chính phủ cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng tại các bến đò ngang thì cách chức Chủ tịch xã, cảnh cáo Chủ tịch huyện và xem xét xử lý trách nhiệm của Giám đốc sở Giao thông - vận tải. |
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.