Thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, mang tính bước ngoặt.
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hiện Hà Nội đã hoàn thành 5 tuyến đường giao thông liên vùng kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận gồm 3 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 và 1 cầu vượt sông (cầu Văn Lang trên tuyến Ba Vì - Việt Trì).
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà, ngân sách của thành phố đã dành khoảng 7.000 tỷ đồng/năm để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó đã ưu tiến bố trí vốn dành cho giao thông ngoại thành và hỗ trợ các địa phương khu vực ngoại thành đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên cắt ngang đường Hoàng Quốc Việt nối địa bàn các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Tây Hồ |
Dấu ấn 5 dự án giao thông trọng điểm
Nhiều công trình giao thông trọng điểm đang được triển khai và một số dự án đã hoàn thành, góp phần cải thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng gia thông, giảm UTGT hiệu quả.
* Dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được xem là lời giải cho bài toán giải quyết ách tắc ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô và là kỳ vọng lớn của người dân đối với dự án trọng điểm của Hà Nội.
Khi Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thông tuyến sẽ kết nối liên thông tuyến Vành đai 3 trên cao đã đưa vào khai thác, hoàn thiện dự án tuyến đường vành đai khép kín, kết nối với cầu Thăng Long và sân bay quốc tế Nội Bài với các khu vực lân cận. Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, thiết kế cầu có thể chịu tác động của động đất cấp 7 và được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với quy mô 4 làn xe và vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
* Dự án đường Vành đai 3 kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Tuyến đường có chiều dài 1,5 km giao với đường Cổ Linh, được khởi công ngày 06/01/2020 với tổng vốn đầu tư là 402 tỷ đồng.
Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Phạm vi nút giao theo hướng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu từ km0-420 (kết nối với đường Cổ Linh) và điểm cuối tại km1+065,74 (kết nối với đoạn tuyến cao tốc đã thi công giai đoạn 1) có chiều dài 1,5 km.Dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách của thành phố, trong đó chi phí xây dựng trên 335 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2021.
* Dự án xây dựng đường trên cao dọc đường Vành đai 2
Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô, với tổng số vốn đầu tư lên đến 9.400 tỷ đồng, kéo dài từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy.
Công trình bao gồm tuyến đường bộ trên cao và mở rộng dưới thấp. Các hạng mục gồm cầu chính (bề mặt 19 m), cầu dẫn (bề mặt 7 m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại ba vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Đây là dự án đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp và không phải vận chuyển dầm bê tông bằng xe hạng nặng tới công trình.
Theo dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2020, một phần của công trình sẽ được đưa vào sử dụng để giải quyết tình trạng ách tắc trên tuyến đường Trường Chinh.
* Dự án đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm
Dự án tuyến Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào tháng 10/2018 với tổng chiều dài là 541 m, mỗi bên rộng 13 m. UBND TP. Hà Nội giao Ban QLDA Công trình giao thông triển khai thực hiện từ tháng 12/2019 và chính thức thông xe vào ngày 06/10/2020.
* Dự án cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đương vành đai 2,5) có tổng mức đầu tư khoảng 560 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, với thời gian thi công dự kiến 285 ngày.
Đây là công trình giao thông trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Tuyến đường này sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết tình trạng UTGT tại nút giao trên, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận Cầu Giấy và TP. Hà Nội.
Nút giao thông Thanh Trì - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng |
Phát triển theo hướng khép kín, đồng bộ và hiện đại
Chia sẻ với PV Tạp chí GTVT về định hướng phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới của Thủ đô, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì kết cấu hạ tầng GTVT phải đi trước một bước. Trong 5 năm tới, kết cấu hạ tầng giao thông mà Hà Nội tập trung giải quyết là đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng Thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm: QL1A, QL3, QL6, QL21; QL21B; các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai như Vành đai 3,5, đường Vành đai 4, Vành đai 5.
Một số cầu vượt sông như cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ)..., trong đó tuyến Vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho đường Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.
“Việc ưu tiên phát triển hệ thống đường giao sẽ góp phần kéo các vùng về gần với Thủ đô, từ đó tạo điều kiện phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa xã hội và điều kiện tự nhiên sẵn có, góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Hà chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.