Quang cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo tại Seoul có Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí; Phó Chủ tịch KOFIA Han Chang-soo, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam, cùng đại diện khoảng 150 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc quan tâm đến lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Phạm Hữu Chí nêu rõ sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ một nước nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, nghèo đói và kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Trong giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6%/năm và năm sau cao hơn năm trước.
Đại sứ Phạm Hữu Chí đánh giá cao việc Hàn Quốc đến nay là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 5.656 dự án và tổng số vốn đăng ký lên đến 51,5 tỷ USD.
Theo Đại sứ, Việt Nam hiện đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện khuôn khổ pháp lý và thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư vào hạ tầng cơ sở theo hình thức công-tư và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Trong bài phát biểu của mình, ông Han Chang-soo nhấn mạnh, trong thời gian qua Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm từ 5-6% bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Với việc ký kết hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế khu vực và trở thành quốc gia có tiềm năng đầu tư lớn.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm thu hút nguồn đầu tư tài chính từ bên ngoài như bỏ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, mở rộng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước..., qua đó Việt Nam có thể cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và tăng cường tiềm năng phát triển.
Theo ông Han Chang-soo, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ cuối năm 2015 đang góp phần mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tốc độ tăng trưởng ổn định và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ông đánh giá hạ tầng giao thông tại Việt Nam là lĩnh vực đầu tư rất hấp dẫn và việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư tốt cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đại diện các bộ ngành liên quan của Việt Nam đã giới thiệu về quy hoạch hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, quy định và khuôn khổ pháp lý liên quan đến PPP và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án và lộ trình cụ thể cũng như cơ hội đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Phần lớn thời gian còn lại của cuộc hội thảo được dành cho đối thoại trực tiếp giữa các diễn giả với các nhà đầu tư. Đại diện của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nêu nhiều câu hỏi, tập trung vào việc tìm hiểu các chủ trương chính sách mới của Việt Nam liên quan đến chủ đề của hội thảo.
Đa số các ý kiến đánh giá cao các chủ trương và biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có cơ hội đầu tư vào Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng giữa hai nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.