Thủ khoa Báo chí: Môn nào cũng phải học thuộc lòng

02/10/2017 07:44

Phương Anh từng là thủ khoa vào lớp 10 THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, giải nhì kỳ thi quốc gia môn Lịch sử 2016-2017, nay lại là thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

a1_1_VVXI
Nguyễn Lê Phương Anh (thứ 3 từ phải sang trái) tại lễ tuyên dương và trao thưởng tại Văn miếu Quốc tử giám.

Sinh ra trong gia đình lao động, bố luôn phải công tác xa nhà, mẹ thì phải lo công việc gia đình nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Lê Phương Anh đã có ý thức tự học rất cao.

Chị Lê Thanh Thủy - mẹ của Phương Anh - trải lòng: "Khi biết con mình là Thủ khoa khoa Truyền thông Marketing của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cả nhà ai cũng vui và gửi lời chúc mừng đến Phương Anh.

Quan trọng là con đã thực hiện được ước mơ của mình là học ngành truyền thông, báo chí. Chỉ cần, con cái ngoan ngoãn, học giỏi thì dù có vất vả đến mấy chúng tôi cũng cam lòng và mãn nguyện".

Bén duyên lịch sử

Trò chuyện với Nguyễn Lê Phương Anh, chúng tôi nhận thấy em khá thông minh, nhanh nhẹn. Các câu trả lời của em rất khúc chiết.

Nguyễn Lê Phương Anh bộc bạch: "Một lần nữa, cảm xúc chiến thắng lại vỡ òa trong em, giống như ngày em biết mình đoạt giải Nhì môn Lịch sử trong kì thi học sinh giỏi quốc gia năm 2016-2017.

Truyền thông maketing là ngành mà em yêu thích từ khi học lớp 6. Chính vì vậy em đã chọn Học viện Báo chí và tuyên truyền để theo học.

Em sẽ cố gắng phát huy kết quả đã đạt được, phấn đấu hơn nữa trong học tập để tiếp tục đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong học tập.

Em đã thấy nụ cười của bố mẹ - những người luôn hết lòng lo cho con cái - và em thấy hạnh phúc vì điều đó. Chặng đường phía trước còn dài, vì thế em sẽ cố gắng trong học tập để không phụ lòng bố, mẹ".

Nữ thủ khoa cho biết mặc dù đoạt giải Nhì quốc gia, nhưng Lịch sử không phải là môn học mà em yêu thích.

"Môn học mà em yêu thích là Văn học nhưng em có duyên với Lịch sử.

Còn nhớ, ngày thi vào lớp 10, mặc dù rất thích vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng em không đủ tự tin để đăng ký vào lớp học này nên rẽ ngang sang lớp chuyên Sử. Thế rồi càng học, càng thấy hay và yêu thích môn học này. Khi học em không thấy khó như nhiều bạn vẫn nghĩ" - Nguyễn Lê Phương Anh tâm sự.

Cũng theo Nguyễn Lê Phương Anh, học Lịch sử không chỉ giúp em hiểu thêm về lịch sử của đất nước mà còn tăng khả năng tư duy, nhất là tư duy về xâu chuỗi các sự kiện.

Học từ dễ đến khó

Nói về bí quyết học môn Lịch sử, Phương Anh cho biết: Với Lịch sử, việc ghi nhớ các mốc thời gian là cần thiết. Đây có thể coi là kiến thức căn bản để chúng ta có thể xâu chuỗi các sự kiện, các mốc thời gian của từng khu vực và nên học từ dễ đến khó.

"Để dễ nhớ và nhớ lâu, em thường lập bảng biểu thống kê các sự kiện, gạch chân những từ khoá, ý chính cần ghi nhớ. Ngoài ra, trong cặp sách và trong góc học tập của em luôn có những tập giấy note. Mục đích là để ghi nhớ các sự kiện, những kiến thức cần thiết vào đó, tạo thành cẩm nang học tập cho mình" - cô nàng thủ khoa bật mí.

thum_1
Nữ thủ khoa Nguyễn Lê Phương Anh được nhận Giấy khen của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tuy nhiên, theo Nguyễn Lê Phương Anh, cũng giống như môn học khác, với môn Lịch sử việc đầu tiên là cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, từ đó mới có nền tảng để nâng cao kiến thức.

Nguyễn Lê Phương Anh dí dỏm nói: "Gốc có vững chắc thì cây mới phát triển. Việc học cũng vậy, muốn giỏi thì phải có vốn kiến thức căn bản - bởi đó là gốc dễ để phát triển kiến thức lên cao hơn".

Chẳng thế mà, cô nàng thủ khoa này tập trung phần lớn thời gian để học thật kĩ những kiến thức nền tảng trong sách giáo khoa, rồi mới tìm đọc thêm những câu hỏi nâng cao, vận dụng cao trong các sách tham khảo.

Trong giai đoạn ôn thi học sinh giỏi, Nguyễn Lê Phương Anh thường tìm đề thi của những năm trước để tự bấm thời gian làm đề, sau đó nhờ thầy cô chữa bài để vừa học được cách trình bày, và vừa ôn lại được những kiến thức đã học.

Hiện nay, có nhiều bạn rất ngại học Lịch sử. Tuy nhiên, theo Nguyễn Lê Phương Anh, Lịch sử không phải là một môn quá khó, các bạn chỉ cần tập trung nghe thầy, cô giáo giảng và học chắc kiến thức trong sách giáo khoa là được.

Để nâng cao kiến thức, các bạn có thể tìm đọc thêm tài liệu, làm bài tập trong sách tham khảo nhằm bổ sung khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Nhiều bạn đánh giá không cao về "dân khối C: Văn, Sử, Địa" vì cho rằng đây là những môn học thuộc lòng. Thủ khoa Nguyễn Lê Phương Anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Bất kỳ môn học nào cũng phải có lượng kiến thức nhất định đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng.

Chẳng hạn như môn Toán, Lý: Nếu các bạn không học thuộc lòng các định luật, định lý thì không thể làm được bài tập. Hoặc có những bài toán chỉ cần áp dụng công thức là xong, vì thế nếu không thuộc công thức thì không thể làm được bài.

Hay đơn giản nhất là, nếu các bạn không thuộc bảng cửu chương thì đố các bạn giải quyết được những bài toán, cho dù là đơn giản nhất. Nói như vậy để thấy rằng, mọi sự so sánh là khập khiễng và môn học nào cũng đòi hỏi phải tư duy và môn học nào cũng thiết trong cuộc sống.

Ý kiến của bạn

Bình luận