Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội: Xe nào được miễn, giảm phí?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 03/11/2021 07:02

Theo lãnh đạo sở GTVT Hà Nội đề xuất 3 nhóm xe được miễn, giảm phí là xe ưu tiên, xe ưu tiên có điều kiện và xe khách công cộng

4_1-1601896218209

Đường vành đai 3 được xác định là ranh giới để đặt các trạm thu phí phương tiện vào nội đô

2 nhóm đối tượng được miễn thu phí. 

Đơn vị tư vấn vừa xây dựng và trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội địa điểm sẽ lập 87 trạm thu phí phương tiện (ôtô) vào nội đô. Về lộ trình thực hiện, đơn vị tư vấn đưa ra lộ trình triển khai từ nay đến năm 2024, thu phí xe vào nội đô từ năm 2025. Ranh giới để xác định khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh trì - Pháp vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Để lập 87 trạm thu phí trên, đơn vị tư vấn xác định 68 vị trí và thực hiện thu phí; phân làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng thí điểm 15 trạm thu phí tại 9 vị trí. Các vị trí này nằm trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn dễ xảy ra ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí. Giai đoạn 3: Đầu tư xây dựng 13 trạm thu phí tại 13 vị trí.

Liên quan đến mức phí thu vào nội đô, chia sẻ với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí, được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục Đường bộ VN và đếm lưu lượng. Dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng. Mức cao nhất dự kiến 100.000 đồng/ lượt.

Cũng theo ông Viện, đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông, trừ các phương tiện được miễn phí như: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,...

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.

Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi).

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều người dân tỏ ra lo lắng với đề án lập chốt thu phí vào nội đô của Hà Nội. Theo đó, các ý kiến này cho rằng, đi lại là nhu cầu thiết yếu và là quyền lợi của người dân. Hơn nữa, chủ yếu việc đi lại vào nội đô của người dân là để giải quyết công việc, mưu sinh, thực hiện những việc cần thiết. Do đó, dù có thu phí thì người dân vẫn đi lại nhiều. Như vậy, mục đích thu phí người dân để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường là phi thực tế.

Liên quan đến dự án này, lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, các vị trí đơn vị tư vấn lập ra mới chỉ là những dự thảo, đề xuất. Sau khi nhận phương án, Sở còn phải tiến hành rà soát, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất thành phố.

Đến năm 2030, Hà Nội dự định sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Tuy nhiên, do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.

Chuyên gia nói gì?

Bàn về vấn đề trên, TS. Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nhìn nhận, với đô thị lớn như Hà Nội, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cải thiện tình trạng giao thông là rất cần thiết. Chủ trương thu phí phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm thành phố đã được nhiều quốc gia áp dụng lâu nay. Tuy nhiên, với Hà Nội "còn khá sớm để đánh giá nên hay không áp dụng phương án này, bởi chưa có các tính toán thuyết phục".

Ông Minh cho rằng, chính quyền cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải. 

Nhận định đề án thu phí xe vào nội đô thiếu tính khả thi, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, cho rằng, chủ trương thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân đã được đưa ra cách đây 4-5 năm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đề án này chưa thể thực hiện được. Hiện nay, hạ tầng giao thông của Hà Nội vẫn đang yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, cốt lõi của Hà Nội là giao thông công cộng chưa phát triển, không đáp ứng được yêu cầu với thành phố khoảng 10 triệu dân. 

 Còn theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, tính đến năm 2021, Hà Nội mới chỉ có hơn 120 tuyến buýt, một tuyến BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) và hai tuyến đường sắt đô thị vẫn chưa đi vào khai thác. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt trên 10%.

“Theo đề án, chỉ vài năm nữa Hà Nội sẽ thu phí vào nội đô nhưng đến thời điểm hiện tại những ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng để kiểm soát được phương tiện cá nhân thì chúng tôi chưa thấy. Ví dụ đường ưu tiên cho xe buýt được đề xuất từ năm 2016 nhưng đến nay chưa được thành phố chấp thuận thực hiện”, ông Thông nói và cho rằng, nếu vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì không cần cấm xe cá nhân, không cần thu phí vào nội đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện chưa có tuyến đường sắt đô thị, tuyến Metro nào có thể đưa vào sử dụng được ngay. Trong khi xe buýt vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng khi hạn chế phương tiện cá nhân. Từ những lý do này nên người dân buộc phải dùng phương tiện cá nhân để đi lại, làm ăn và sinh sống. Trước mắt, xe máy, ôtô vẫn là phương tiện chính và nó vẫn tồn tại. Do vậy việc thu phí xe vào nội đô rất khó nhận được sự ủng hộ.

Chuyên gia giao thông La Văn Thái thì nhấn mạnh, sở dĩ việc thu phí để vào một khu vực hạn chế được áp dụng ở một số quốc gia như Anh, Singapore đạt hiệu quả do xe được gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm thì sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng.

Trong khi đó, với đề án của Hà Nội thì "vùng thu phí" áp dụng là vành đai 3 trở vào thì quá rộng và động chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Trong khi khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông lại không chỉ riêng trong vành đai 3. Chưa kể, khi triển khai thu phí dễ bị tránh chồng chéo giữa các loại phương tiện bị áp phí, loại phương tiện được miễn, giảm, phương tiện ưu tiên...

Vị chuyên gia này đề nghị, trong thời điểm hiện tại và sắp tới, thay vì đề xuất lập trạm thu phí, Hà Nội nên tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Còn việc đặt trạm thì các cơ quan này đang tính đến những vị trí đông xe nhất, những nơi được xem là yếu hầu để đặt trạm. Tuy nhiên, khi đặt nhiều trạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông, gây ùn tắc và cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn.

Ý kiến của bạn

Bình luận