"Thủ phủ xe dù" đại náo trước mặt CSGT: Vì sao không xử lý?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 26/07/2018 15:03

Trong cuộc chiến xóa sổ "xe dù, bến cóc" các cấp, ngành và đặc biệt là của các đơn vị chức năng TP. Hà Nội chỉ đang “đánh trống bỏ dùi”.


unnamed (6)
"Thủ phủ xe dù" Long Giang Limousine cách "chốt" làm nhiệm vụ thuộc Đội CSGT số 4 - CA Hà Nội khoảng 100 mét, tuy nhiên không thấy lực lượng này xử lý vi phạm.

Mỗi ngày, trên địa bàn TP.Hà Nội có hàng nghìn chuyến xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam, nhưng không hề vào bến theo mà “lách luật” bằng cách xin giấy phép xe chạy hợp đồng rồi vào trung tâm TP.Hà Nội đón trả khách. Nhưng lạ một nỗi, các nhà xe này lại công khai hoạt động trước mắt các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mà không hề bị xử lý.

Điểm mặt “tập đoàn xe dù” khét tiếng

Trong vai những hành khách thường xuyên đi lại trên tuyến Hà Nội - Nam Định, sáng ngày 23.7.2018, nhóm PV chúng tôi nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu được những mảng tối trong hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định của nhà xe Long Giang Limousine - Công ty vận tải hành khách hàng hoá Long Giang. Lần theo số từ tổng đài 0243.596.xxx được ghi công khai trên các thân xe Limoushine, chúng tôi tiếp cận một nam nhân viên chăm sóc khách hàng. Anh này cho biết, nhà xe có rất nhiều chuyến để vận chuyển hành khách từ Hà Nội đi Nam Định… Đối với khách hàng trong nội thành, nhà xe sẽ bố trí điểm đón khách cụ thể, khách yên tâm về thời gian cũng như lịch trình xe chạy, sẽ rút ngắn và tiện nghi hơn rất nhiều các nhà xe chạy tuyến cố định khác, lại không phải rườm rà như vào bến bắt khách.

unnamed (11)
Văn phòng Long Giang tại địa chỉ 325 Giải Phóng (Q. Thanh Xuân) vô tư tổ chức bán vé, đón trả khách và có chức năng như một "bến xe"

Với mong muốn tìm xe đi từ khu vực Q. Hoàng Mai về Nam Định, nam nhân viên trực tổng đài này cho biết: “anh di chuyển ngay ra địa chỉ 325 Giải Phóng ( đoạn chân cầu vượt Vọng - Giải Phóng, quận Thanh Xuân) sẽ có xe đón anh”. 

Theo sự hướng dẫn của nhân viên xe Long Giang, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ 325 Giải Phóng để đặt chỗ và thanh toán số tiền là 100 nghìn đồng cho tấm vé đi Nam Định khởi hành lúc 13 giờ cùng ngày.

Theo quan sát, trước cửa văn phòng nhà xe Long Giang (nằm tại địa chỉ 325 đường Giải Phóng, Hà Nội) không hề có biển hiệu thể hiện đây là công ty xe khách hay xe chở hợp đồng. Khi hành khách tới hỏi mua vé, nhân viên ở đây cho hay khách không cần mua vé, chỉ cần lên xe rồi trả tiền, giá vé là 100.000 đồng/người/lượt. Gần đến 13 giờ chiều cùng ngày, người đi xe từ đâu đổ về chật kín vỉa hè trước cửa văn phòng nhà xe Long Giang. Chiếc xe giường nằm BKS: 29B - 179.38 của nhà xe lúc này cũng đến. Hành khách nườm nượp lên xe, nhà xe không quên dặn dò khách nếu cơ quan chức năng có hỏi thì nói đây là xe chạy hợp đồng nhé.

unnamed (10)
Trước của văn phòng Long Giang luôn duy trì từ 2 -3 xe dàn hàng ngang dưới lòng đường xếp khách, bốc xếp hàng hóa

Có mặt tại “đại bản doanh” xe Long Giang Limousine, điều choáng ngợp đầu tiên khi tiếp cận đó là những chiếc xe ôtô hoán cải từ 16 chỗ xuống còn 9 chỗ đời mới, đen bóng, mang phù hiệu “xe hợp đồng” do Sở GTVT Hà Nội cấp phép là xe hợp đồng phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch... 

Nhưng trên thực tế, những chiếc xe có phù hiệu hợp đồng này lại hoạt động không đúng với công năng được cấp phép. Với nhiều chiêu trò lách luật, nhà xe này vô tư gom khách lẻ, thu tiền, phát hành vé như xe tuyến cố định. Với tần suất 1 giờ/ chuyến, liên tục tục từ 6 giờ sáng tới 20 giờ tối, mỗi ngày nhà xe này có khoảng gần 100 chuyến xe hoạt động ở cả hai đầu Hà Nội và Nam Định. 

unnamed (8)
Mặc dù đăng ký hoạt động dưới danh nghĩa là "xe hợp đồng", tuy nhiên nhà xe Long Giang xác nhận đặt chỗ, thu tiền trực tiếp khi hành khách lên xe

Thực tế cho thấy, “đại bản doanh” của hãng xe Long Giang nằm trên đường Giải Phóng chỉ cách “chốt” làm việc của Đội CSGT số 4 - CA Hà Nội chừng 100 mét. Và mỗi ngày nhà xe này có hàng trăm lượt xe đón, trả khách trái quy định, hiện hữu giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng tuyệt nhiên không thấy lực lượng CSGT xử lý?

Bất chấp các quy định của pháp luật

Trong quá trình tác nghiệp, cũng trên địa bàn Q. Thanh Xuân (Hà Nội), nhóm PV Tạp chí Giao thông vận tải đã tiếp cận được hàng chục doanh nghiệp vận tải hành khách sử dụng xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định, sử dụng văn phòng làm nơi bán vé, đón trả khách có chức năng như một “bến xe mi ni” để qua mặt cơ quan chức năng và trốn thuế.

Điển hình trong số này phải kể đến Đại Nam Limousine (địa chỉ tại C86, ngõ 153 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội). Để hợp thức hóa hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hoá, nhà xe này sử dụng chính văn phòng của mình là bến “cóc” đón trả khách. Sau đó, sử dụng các xe ôtô loại 9 chỗ dưới dạng xe hợp đồng du lịch vận chuyển hành khách theo tuyến Hà Nội - Thanh Hoá với giá từ 160.000 - 180.000 đồng/người/lượt. Mỗi ngày nhà xe này có gần 40 chuyến cố định chạy Hà Nội - Thanh Hoá, từ 4 giờ sáng đến 20 giờ tối.

unnamed (4)
Tại ngõ 53 Trường Chinh, chiều ngày 25/7, chiếc xe mang BKS: 29B-194.48 của hãng xe Đại Nam Limousine đang xếp khách tại văn phòng bán vé

Tương tự như nhà xe Đại Nam, hãng xe Vân Anh cũng hoạt động “trá hình” bằng cách lập bến “cóc”, chạy chuyện tuyến Hà Nội - Thanh Hoá. Không khó để chúng tôi tiếp cận nhà xe này, chỉ cần đến số 18 Nguyễn Lân (Q. Thanh Xuân) từ 6 giờ sáng đến 20 giờ hằng ngày, những khách có nhu cầu đi Thanh Hoá sẽ dễ dàng mua được vé ngay. Hoạt động bán vé khá công khai, người mua người bán tấp nập.

Trong vai hành khách có nhu cầu đến Thanh Hoá, khoảng 13 giờ ngày 25.7, nhóm PV chúng tôi dễ dàng tiếp cận và trực tiếp mua vé tại số 18 Nguyễn Lân với giá 180.000 đồng. Người phụ nữ bán vé cho biết, Các anh đi đâu thì đi, tầm 40 phút nữa anh quay lại để lên xe khởi. Đến giờ đi, chúng tôi có mặt, lúc này trước cửa văn phòng nhà xe số 18 Nguyễn Lân đã có khoảng 7 khách đi xe. Chiếc xe BKS 29 (Hà Nội) của nhà xe này cũng vào tận bên trong văn phòng, nhân viên nhà xe lên xếp khách và chuẩn bị cho chuyến đi. Đúng 14 giờ chiếc xe xuất bến…

unnamed (5)
Tượng tự, tại số 18 Nguyễn Lân (Q. Thanh Xuân), hãng xe Vân Anh Limousine đưa xe tận bên trong văn phòng đón trả khách, với tần suất dày đặc, khoảng 100 chuyến/ngày

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa yêu cầu các bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số12/CT-TTg ngày 2/6/2015 về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô và công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt. Kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc", để giữ nguyên niềm tin kỷ cương, niềm tin phép nước. Tuy nhiên, việc thực hiện của các cấp, ngành và đặc biệt là của các đơn vị chức năng TP. Hà Nội thì vẫn chỉ là “đánh trống bỏ dùi”.

Vì sao xe dù, bến cóc hiện hữu giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng đội ngũ cán bộ quản lý địa bàn và lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương không hề hay biết (?)

Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định rõ: (xe khách hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu tiền cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến xe khách đăng ký chạy tuyến cố định). 

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn

Bình luận