Thủ tướng gợi mở 5 vấn đề lớn cho báo chí trong tình hình mới

Tác giả: Hồng Xiêm

saosaosaosaosao
Chính trị 22/06/2022 00:04

Tối 21/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự, có bài phát biểu tại lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ.

 

Tối 21/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, được tổ chức tại cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng 115 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021.

Thủ tướng đánh giá, nhiều tác phẩm báo chí năm nay đã góp phần chuyển tải chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nhiều tác phẩm tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước. Phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình địa chính trị thế giới, nhất là xung đột Nga - Ukraine và hậu đại dịch Covid-19 sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, như áp lực lạm phát, lãi suất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… diễn biến phức tạp.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ quan báo chí, người làm báo trong việc chủ động, tích cực, trách nhiệm, xung kích, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm và sự đồng thuận trong xã hội. Vì vậy, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề cho báo chí:

Thứ nhất, quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ hai, báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh và tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để nhân dân có niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

"Trước mắt cần tập trung tuyên truyền về 3 đột phá chiến lược, những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế; chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và không để ai bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Đặc biệt, tôi đề nghị báo chí tích cực hơn nữa tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Trần Việt

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Trần Việt

 

Thứ ba, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là động lực khích lệ nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, làm sao để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho phát triển. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện; góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về báo chí cách mạng Việt Nam.

Thứ tư, người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn; nhiệt huyết, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm, văn hóa; không để bị chi phối, suy thoái trước những “cám dỗ”, làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí - truyền thông, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội.

Cùng đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh trao giải B cho các tác giả.  Ảnh: Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh trao giải B cho các tác giả. Ảnh: Tuấn Anh

 

“Nhân dịp trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI và kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một lần nữa, tôi thân ái chúc toàn thể các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước “luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, làm việc với ngọn lửa đam mê bằng tinh thần “tâm sáng, bút sắc, lòng trong” như đúc kết của cố nhà báo Hữu Thọ.

Mỗi tác phẩm báo chí sẽ mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng, thúc đẩy động lực, thắp sáng những điều tốt đẹp để đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân”,Thủ tướng nói.

Theo Ban tổ chức, năm nay là năm thứ 16 Giải báo chí quốc gia được tổ chức theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia và Đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia. Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến quá trình tác nghiệp báo chí trong năm 2021, nhưng số lượng tác phẩm gửi về dự Giải là 1.911 tác phẩm.

Hội đồng Chung khảo đã chấm 152 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo, và quyết định trao 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích, theo 11 loại giải.

Ý kiến của bạn

Bình luận