Ngày 13/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ, tặng quà, động viên cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc trên công trường Cảng Hàng không quốc tế Thành Long (sân bay Long Thành), đồng thời thăm khu tái định cư, động viên người dân đã nhường mặt bằng cho dự án.
Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư) cho biết, đường cất, hạ cánh có chiều dài 4.000 m, rộng 75 m, hệ thống đường lăn (đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh và đường lăn nối) rộng 44 m. Phương án thi công cao điểm mùa khô vào những tháng tới đã được liên danh nhà thầu thi công lập và chủ đầu tư phê duyệt.
Các đơn vị đã huy động thêm khoảng 770 đầu máy, nâng tổng số lượng máy móc trên công trường lên khoảng 2.000 đầu máy thiết bị và 2.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân, mục tiêu mở tối đa các mũi thi công với 44 dây chuyền, công suất đào đắp đạt 500.000 m3/ngày.
Báo cáo Thủ tướng về Gói thầu 5.10 (thi công xây dựng lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành), ông Evren, Chỉ huy trưởng liên danh Vietur Consortium - Ricons cho biết, đây là gói thầu có quy mô lớn nhất và đặc biệt quan trọng của dự án. Do đó, nhà thầu xác định tập trung toàn bộ nhân lực, huy động hơn 2.000 nhân sự thi công ngày đêm. Sau Tết, Vietur tiếp tục nâng số lượng nhân sự để đáp ứng tiến độ dự án.
Sau khi kiểm tra hiện trường và nghe các báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao tiến độ triển khai các hạng mục, trong đó giải phóng mặt bằng và các khâu thủ tục cơ bản đã làm xong; đường băng dài 4 km, rộng 74 m đã thành hình, phần ngầm của nhà ga đã thi công xong. Thủ tướng nêu rõ, nếu năm 2022, 2023 là năm khởi động thì 2024 là năm tăng tốc và 2025 sẽ là năm bứt phá. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2026 phải hoàn thành, đưa công trình sân bay Long Thành vào sử dụng.
Với kinh nghiệm đã có, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu cần xây dựng lại đường găng tiến độ, phấn đấu rút ngắn thời gian thêm từ 3 đến 6 tháng, bù lại thời gian bị chậm, phát động thi đua từ nay tới ngày 30/4/2025 (kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).
Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết; thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, ghi dấu ấn về kiến trúc, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các công trình phụ trợ, liên quan.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án, bàn giao cho các chủ đầu tư để triển khai các dự án thành phần; xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình bố trí tái định cư, triển khai dự án.
Thủ tướng lưu ý tỉnh Đồng Nai, các cơ quan sớm nghiên cứu, quy hoạch, tính toán việc xây dựng thành phố sân bay Long Thành. Bộ GTVT cùng các cơ quan nghiên cứu, tính toán phương án kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời nghiên cứu phương án thiết kế, xây dựng giai đoạn 2 để sẵn sàng triển khai ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1.
Về kiến nghị của người dân liên quan đến chi phí hạ tầng tái định cư (tính theo m2 đất ở), Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, chỉ đạo các cơ quan rà soát, xem xét, xử lý, cái gì hợp lý thì tiếp tục thực hiện, những điểm gì chưa hợp lý thì phải điều chỉnh, cân đối, hài hòa giữa quy định chung và đặc thù.
Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo việc xem xét, sửa đổi Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tại doanh nghiệp nhà nước. Quy định này liên quan tới hoạt động của ACV trong thực hiện các dự án sân bay trọng điểm.
Sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng trên diện tích gần 5.000 ha ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án được khái toán khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,06 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Giai đoạn này, dự án đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh và một nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hướng đến trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế và khu vực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.