Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 21/04/2024 09:46

Sáng nay (21/4) tại tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án

Chỉ bàn làm không bàn lùi

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến cuối cùng của cao tốc Bắc - Nam phía Đông được khởi công xây dựng. Dự án được thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng do UBND tỉnh Lạng Sơn là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với chiều dài khoảng 63 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh được giao cho liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Đây là nhà đầu tư có nhiều năng lực, kinh nghiệm tổ chức triển khai nhiều tuyến hầm xuyên núi, đường cao tốc trên cả nước.

Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án gồm: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương); vốn nhà đầu tư thu xếp là 5.529 tỷ đồng.

Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu về phát triển hạ tầng, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân 2 tỉnh Lạng Sơn - Cao Bằng; kết nối giao thông, kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc; kết nối các địa phương Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng - Quảng Ninh; mở ra không gian phát triển mới cho hai tỉnh Lạng Sơn - Cao Bằng.

"Dự án góp phần thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát; phát huy tính tự lực, tự cường của các địa phương và phát huy chủ trương đẩy mạnh hợp tác công tư giữa Nhà nước và tư nhân", Thủ tướng nói.

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư trong công tác chuẩn bị để khởi công dự án. Thủ tướng cũng cảm ơn bà con nhân dân địa phương đã nhường đất để triển khai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Địa phương và nhà đầu tư phải làm tốt công tác GPMB, riêng công tác tái định cư đảm bảo chỗ ở mới của người dân tốt hơn chỗ ở cũ.

Nhấn mạnh công việc triển khai dự án trong 2 năm tới còn rất nhiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan đồng hành cùng UBND tỉnh Lạng Sơn tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền.

"Cái gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết, dứt khoát không được đùn đẩy, né tránh và không được để kéo dài", Thủ tướng nói và yêu cầu địa phương tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, vệ sinh môi trường, đặc biệt là phải thực hiện công tác quản lý nhà nước tại dự án thật tốt.

Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn.

Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5 m.

Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo triển khai dự án đúng luật, tránh lợi ích nhóm và phải bảo tiến độ, chất lượng và vệ sinh môi trường trong quá trình triển khai dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà thầu thi công dự án phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

"Các nhà thầu cần thi công theo tinh thần làm 3 ca 4 kíp, xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, chỉ bàn làm không bàn lùi", Thủ tướng nêu rõ.

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến đầu của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ cùng với Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, góp phần tăng cường thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hoàn thành đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán lưu lượng và doanh thu của tuyến cao tốc "cụt" Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay.
Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 3.
Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tham dự buổi lễ

Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên cán bộ, công nhân tham gia thi công dự án

Nhà đầu tư cam kết "chỉ tiến không lùi"

Trước đó, thay mặt liên danh nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là một mảnh ghép hoàn chỉnh của tuyến cao tốc Bắc - Nam.

"Để triển khai được dự án như hôm nay, thật sự là khó khăn cho các nhà đầu tư, vì sau khi hoàn thành dự án Bắc Giang - Lạng Sơn còn rất nhiều điều băn khoăn lo lắng về doanh thu, phương án hoàn vốn kéo dài đặc biệt các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi bỏ đi 1 trạm thu phí, miễm giảm giá vé… Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và sự vào cuộc chia sẻ động viên của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Đèo Cả xác định tiếp tục đồng hành hoàn thành dự án mới, tháo gỡ các vướng mắc cũ", ông Hoàng chia sẻ.

Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 6.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Hoàng, tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với chiều dài 63 km bị đình trệ 5 năm, dự án vượt qua nhiều khó khăn và đã hoàn thành với thời gian ngắn kỷ lục là 18 tháng. Đây cũng là một trong những dự án cao tốc đầu tư bằng hình thức PPP có nhiều điểm nổi bật nhất cho đến thời điểm hiện nay như: Công tác GPMB sớm nhất, tiến độ thi công nhanh nhất, phương án đầu tư khác thường nhất vì không có vốn NSNN tham gia nhưng vẫn hoàn thành.

"Thời gian qua, đã có nhiều kiến nghị của nhà đầu tư gửi đến Chính phủ, Quốc hội. Đặc biệt, ngày 6/3/3024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo gửi Chính phủ đề nghị xem xét hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Đây cũng chính là động lực đã tiếp sức cho các nhà đầu tư chúng tôi thêm quyết tâm tiếp tục đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng", ông Hoàng nói.

Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 7.
Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 8.
Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng- Ảnh 9.

Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Cũng theo ông Hoàng, việc thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của tuyến "cao tốc cụt" Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay, là cơ sở để các bên khi tham gia các dự án PPP ý thức được trách nhiệm của mình để khi gặp khó hãy cùng nhau kiên định đồng hành tháo gỡ.

Để đi đến mốc khởi công dự án, chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong quá trình triển khai dự án sẽ còn nhiều khó khăn chờ đợi phía trước nhưng Tập đoàn Đèo Cả nói riêng và liên danh nhà đầu tư nói chung cam kết với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ tiến không lùi".

"Chúng tôi sẽ lấy công trường dự án làm nơi thao trường đào tạo thực chiến không chỉ cho Tập đoàn Đèo Cả mà còn cho các doanh nghiệp khác, cùng phát triển khi thực hiện những giải pháp đầu tư PPP++, tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ BIM để quản lý chất lượng và tiến độ dự án…", ông Hoàng nói.

Ngày 11/4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định 688 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.
Nhà đầu tư tham gia duy nhất và trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen do Tập đoàn Đèo cả đứng đầu. Đây cũng là nhà đầu tư đã "giải cứu" thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm.
Tại dự án này, liên danh nhà đầu tư áp dụng mô hình PPP++ là giải pháp đa dạng hoá nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP hiện nay:
P1++ là phần vốn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn ngân sách địa phương
P2++ là vốn chủ sở hữu
P3++ là vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BCC, nguồn vốn nước ngoài, từ các nhà đầu tư thứ cấp…
Theo mô hình này, nhà thầu tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, dự án được triển khai thi công theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công, hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.