Thống nhất giải pháp khắc phục sự cố hầm Bãi Gió

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 16/04/2024 11:25

Chủ đầu tư vừa cho biết về giải pháp khắc phục sự cố hầm Bãi Gió trên tuyến đường sắt TP. Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Thống nhất giải pháp khắc phục sự cố hầm Bãi Gió- Ảnh 1.

Đất từ đỉnh hầm Bãi Gió bị sạt lở trong quá trình thi công cải tạo, nâng cấp hầm

Ban QLDA 85 (chủ đầu tư) vừa báo cáo Bộ GTVT về tình hình khắc phục sự cố thi công hầm Bãi Gió thuộc gói thầu số 11A, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt TP. Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Báo cáo về giải pháp khắc phục, Ban QLDA 85 cho biết, trên cơ sở kết quả đánh giá tình hình sự cố, Ban QLDA 85 và các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, cùng các bên liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp và thống nhất đưa ra được giải pháp khắc phục sự cố.

Thống nhất giải pháp khắc phục sự cố hầm Bãi Gió- Ảnh 2.

Thi công khắc phục sự cố sụt lở địa tầng yếu trên vòm hầm

Theo đó, giải pháp là bơm vữa xi măng ổn định kết cấu đá đã bị sập trong hầm và trên đỉnh hầm; tiến hành bơm vữa lấp đầy lỗ rỗng địa tầng bị sụt.

Sau khi đã ổn định được địa tầng, tiến hành đào, thanh thải đất, đá bị sụt trong hầm, đồng thời với quá trình này sẽ lắp dựng vì thép A và phun bê tông định hình.

Về tiến độ thực hiện, nhà thầu hiện đã tiến hành khoan 2 lỗ địa chất tại vị trí sụt trượt (từ mặt đất xuống đến đỉnh hầm) để đánh giá địa tầng và mức độ sụt trượt.

Sáng 15/4, đã tiến hành bơm xi măng ninh kết toàn bộ phần đất, đá bị sụt sau vỏ hầm (với chiều dài khoảng 11m) và phần sụt trượt trong hầm. Thời gian để hoàn thành công tác khắc phục sự cố dự kiến khoảng 4 ngày, kể từ ngày 15/4.

Thống nhất giải pháp khắc phục sự cố hầm Bãi Gió- Ảnh 3.

Công nhân đơn vị quản lý bảo dưỡng đường bộ thường xuyên trực, đảm bảo giao thông khu vực Đèo Cả

Cục Đường sắt Việt Nam hiện chưa tổng hợp được thiệt hại về hạ tầng đường sắt (đường, tà vẹt, hầm…). Về vận tải, vụ việc đã gây tắc chính tuyến nhiều giờ, từ 12h45 ngày 12/4; chậm nhiều đoàn tàu; đã tổ chức chuyển tải 10.122 hành khách (36 đoàn tàu khách); các đoàn tàu chở hàng chờ tại các ga dọc đường, hoặc tạm dừng chạy tàu tại ga.

Trước đó, thông tin về diễn biến sự việc, Ban QLDA 85 cho biết, ngày 12/4, nhà thầu nhận lệnh phong tỏa từ 9h32 đến 13h32 để tiến hành thi công tại Km1231+089.48 đến Km1231+090.73 kết cấu CIIB. Đến khoảng 12h45, trong khi đang tiến hành phá dỡ bê tông vỏ hầm cũ đã xảy ra sụt lở địa tầng yếu trên vòm hầm với khối lượng đất, đá rơi xuống khoảng 150 m3, làm gián đoạn chạy tàu đường sắt.

Vụ việc không có thiệt hại về người và thiết bị thi công.

Theo Ban QLDA 85, ngay sau khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công ngay lập tức phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan để tiến hành phong tỏa khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh, phân luồng giao thông đường bộ trên hầm nhằm triển khai các bước xử lý sụt trượt.

Đến khoảng 3h30 ngày 13/4, đã cơ bản di chuyển được hết phần đất đá bị sụt trượt để chuẩn bị đưa khung chống loại A vào vị trí sụt và phun bê tông.

Tuy nhiên, do địa chất phía trên vỏ hầm rất phức tạp (đá phong hóa) nên đất đá lại tiếp tục rơi xuống không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tiếp tục tham gia thực hiện công việc xử lý. Các bên liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp khác để đưa khung A vào vị trí sụt trượt nhưng không thể thực hiện được.

Đến 21h ngày 13/4, khối lượng đất phong hóa và đá tảng rơi xuống lấp kín tiết diện của hầm với chiều dài khoảng 13 m; khối lượng đất, đá sụt trượt ước tính khoảng 300 m3.

Qua công tác kiểm tra và khảo sát, các bên nhận thấy, vật liệu sụt lở có lẫn đá nhiều kích thước và đá phong hóa mạnh dạng cát kết/sỏi cạn.

Đến thời điểm hiện tại, các viên đá to đã chèn kín lỗ hổng trên vòm hầm với khối lượng khoảng 150 m3. Cùng với đó, địa chất trên đỉnh hầm có dạng các tảng đá xếp chồng, đan xen với nhau, tạo lỗ rỗng lớn.

Nguyên nhân chính của vụ việc là do địa chất sau vỏ hầm vị trí sạt trượt phong hóa rất mạnh, là đất đá tảng nhiều kích thước và đá phong hóa mạnh dạng cát kết/sỏi sạn.
Nhà thầu đã thực hiện theo đúng biện pháp thi công, tuy nhiên địa chất có tính rời rạc, diễn biến nhanh và phức tạp nên đã xảy ra sự cố công trình.
Ban QLDA 85
Ý kiến của bạn

Bình luận