Thường vụ Quốc hội thống nhất CSGT được trích lại tiền phạt vi phạm giao thông

Tác giả: L. Chi - D. Anh

saosaosaosaosao
Xã hội 11/06/2024 13:12

Đối với việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và tiền đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về chủ trương, tuy nhiên đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, phối hợp với các cơ quan có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Báo cáo, giải trình làm rõ hơn một số nội dung

Sáng 11/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV khai mạc Phiên họp thứ 34.

Thường vụ Quốc hội thống nhất CSGT được trích lại tiền phạt vi phạm giao thông- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên khai mạc Phiên họp thứ 34 vào sáng nay (11/6), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Đồng thời đề nghị giải trình, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; quy định đấu giá biển số xe...

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này, phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại hội trường; cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu; đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo cáo, giải trình làm rõ hơn một số nội dung.

Trong đó, đối với việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông và tiền đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về chủ trương, tuy nhiên đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, phối hợp với các cơ quan có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sẽ lấy phiếu xin ý kiến các Đoàn ĐBQH về quy định nồng độ cồn

Thường vụ Quốc hội thống nhất CSGT được trích lại tiền phạt vi phạm giao thông- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Phiên họp thứ 34

Về quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, qua thảo luận và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu xin ý kiến các Đoàn ĐBQH về nội dung này.

Đối với quy định đấu giá biển số xe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này và quy định chuyển tiếp đảm bảo chặt chẽ.

Về điểm của giấy phép lái xe, cần nghiên cứu giải trình rõ, có tính thuyết phục đây không phải là hình thức xử phạt hành chính bổ sung; bổ sung nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm giấy phép lái xe, trách nhiệm sát hạch lại, tránh chồng lấn trong công tác quản lý nhà nước.

Đối với Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị rà soát các nội dung chi cho các hoạt động giao thông khác, nghiên cứu nguyên tắc được chi khi Nhà nước không chi và chi chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc bổ sung thêm quy định tại Điều 46 về xe ô tô kinh doanh vận tải cho học sinh, trẻ em, rà soát để quy định chặt chẽ hơn cả về cơ sở kinh doanh vận tải và cơ sở giáo dục. Rà soát kỹ thuật lập pháp và đặc biệt Điều 89 về điều khoản chuyển tiếp đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ, cả về đấu giá biển số xe, giấy phép lái xe, bảo đảm thống nhất giữa pháp luật, nghị định cũ với luật mới; khuyến khích người dân đổi bằng; tiếp thu ý kiến của ĐBQH quy định về đèn vàng...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát quy định về phạm vi điều chỉnh; bổ sung các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tại Điều 84; quy định hình thức kiểm soát trẻ em điều khiển xe máy dưới 50 phân khối và xe máy điện, xe đạp điện… Sau phiên họp, đề nghị các cơ quan liên quan sau khi có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp xây dựng Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Thường vụ Quốc hội thống nhất CSGT được trích lại tiền phạt vi phạm giao thông- Ảnh 3.

Quốc hội sẽ lấy phiếu xin ý kiến các Đoàn ĐBQH về quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Ảnh: Vũ Thành

Trước đó, ngày 22/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đã có 28 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến 1 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận và 9 đại biểu Quốc hội gửi văn bản góp ý.

Ngay sau Phiên thảo luận, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại Phiên họp, ngoài những nội dung đã giải trình, tiếp thu tại Báo cáo số 835/BC-UBTVQH15, ngày 18/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có Báo cáo đầy đủ về 8 nội dung Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường kèm theo các loại tài liệu trong hồ sơ theo quy định.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật như: Về việc trích tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe (quy định tại khoản 1 Điều 5); Về quy định: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" (khoản 2 Điều 10); Về quy định đấu giá biển số xe (Điều 38); Về điểm của giấy phép lái xe (Điều 58); Về độ tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 59); về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ (Điều 85); về trách nhiệm quản lý nhà nước; Việc bổ sung quy định để quản lý đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn và bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành...

Dự kiến diễn ra trong 3 ngày, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến đối với những dự án, dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau để hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật đảm bảo chất lượng, trình Quốc hội thông qua tại đợt 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 8 dự thảo luật gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Đồng thời, cho ý kiến 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Ý kiến của bạn

Bình luận