Tiếng ồn giao thông có thể gây giảm tuổi thọ

Giao thông toàn cầu 13/04/2022 06:40

Việc tuân thủ các hướng dẫn về mức độ tiếng ồn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể ngăn ngừa 3.600 ca tử vong hàng năm.

Giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm tiếng ồn (Ảnh minh họa)

Giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm tiếng ồn (Ảnh minh họa)

Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) vừa công bố một nghiên cứu đánh giá mức độ tiếng ồn do giao thông đường bộ gây ra và xem xét tác động của nó đối với sức khỏe ở 749 thành phố châu Âu.

Kết quả được công bố trên Tạp chí Môi trường Quốc tế cho thấy, gần 60 triệu người đang phải chịu độ ồn ào quá mức do các phương tiện giao thông gây ra. 

Các nhà khoa học khẳng định, giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm tiếng ồn. Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tiếng ồn môi trường có tác động xấu đến sức khỏe con người khi có liên quan đến nhiều triệu chứng như: rối loạn giấc ngủ, bực bội, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, sinh khó, suy giảm nhận thức, suy nhược sức khỏe thể chất và tâm thần và thậm chí gây tử vong sớm.

Tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn giao thông có thể gây ra các phản ứng căng thẳng kéo dài, dẫn đến giải phóng hormone căng thẳng và tăng nhịp tim, huyết áp, gây co mạch và cuối cùng dẫn đến các bệnh mãn tính như tim mạch, trầm cảm, rối loạn lo âu.

Trong nghiên cứu của ISGlobal, kết quả cho thấy hơn 48% trong số 123 triệu người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) tham gia khảo sát đã tiếp xúc với mức độ tiếng ồn vượt ngưỡng khuyến nghị của WHO. Cụ thể, khuyến nghị của WHO nêu rõ mức độ tiếng ồn trung bình ghi được trong khoảng thời gian 24h không được vượt quá 53 decibel. Tỷ lệ dân số tiếp xúc với mức độ tiếng ồn cao hơn mức khuyến nghị ở các thành phố thủ đô của châu Âu dao động từ thấp nhất là 29,8% ở Berlin (Đức) và cao nhất là 86,5% ở Vienna (Áo). Tỷ lệ này ở 43,8% ở Madrid (Tây Ban Nha) và 60,5% ở Rome (Ý).

Từ những nghiên cứu trước đó chúng minh sự liên quan giữa tiếng ồn và tỷ lệ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng việc tuân thủ các hướng dẫn của WHO sẽ ngăn ngừa hơn 3.600 ca tử vong mỗi năm vì bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Nghiên cứu của ISGlobal cũng cho thấy hơn 11 triệu người trưởng thành rất khó chịu vì tiếng ồn giao thông đường bộ. Sự khó chịu được định nghĩa là sự xáo trộn lặp đi lặp lại của các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như giao tiếp, đọc sách, làm việc và ngủ. Theo nghĩa này, sự khó chịu không chỉ là sự bất tiện đơn thuần mà còn gây căng thẳng dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khác nhau.

Nhà nghiên cứu Sasha Khomenko, tác giả chính của nghiên cứu giải thích: "Kết quả của chúng tôi lần đầu tiên cung cấp một bức tranh toàn cảnh về các thành phố châu Âu, cũng như hiểu rõ hơn về lý do tại sao tiếng ồn do phương tiện giao thông tạo ra là vấn đề môi trường gây tác động xấu đến sức khỏe nhiều thứ 2 ở Tây Âu, sau bụi mịn.

Mặc dù vậy, chúng tôi tin rằng tác động thực sự của tiếng ồn giao thông đối với sức khỏe còn lớn hơn nhiều, do thiếu dữ liệu cấp thành phố nên chúng tôi chưa thể đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của tác động. Hơn nữa, dữ liệu có sẵn chỉ cho phép chúng tôi phân tích dân số tiếp xúc với hơn 55 dB, trong khi ngưỡng khuyến nghị của WHO là 53 dB. Chúng tôi nghi ngờ tiếng ồn ngưỡng thấp hơn cũng có thể tác động xấu đến sức khỏe."

Ở Việt Nam, theo đánh giá của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận