Tìm “lối ra” cho dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 22/04/2022 09:20

Ban QLDA 7 và các nhà thầu vẫn đang loay hoay tìm “lối ra” cho dự án khi tiến độ vẫn trượt dài, nguy cơ không thể hoàn thành trong năm 2022.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra hiện trường dự án

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra hiện trường dự án

Tại buổi kiểm tra và làm việc với các nhà thầu thực hiện dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết ngày 21/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các nhà thầu phải lên kế hoạch thi công cụ thể để đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn đang gặp phải.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đây là dự án trọng điểm quốc gia và nằm trong 4 dự án cao tốc Bắc - Nam phải hoàn thành trong năm 2022, vì vậy không có thời gian để lùi. Ban QLDA 7 đã có sự tăng cường nhân lực, điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu, tuy nhiên gói thầu số 1 - 2 và một phần gói 3 đang rất chậm, chưa chủ động về khối lượng thực hiện. Duy nhất, gói thầu số 4 của Vinaconex là có nhiều chuyển biến tích cực. Vì vậy, các nhà thầu phải tập trung lấy lại tiến độ, tuân thủ thi công cuốn chiếu, tăng cường thiết bị, chú trọng vật liệu đầu vào, làm sao để tháng tới đạt khối lượng lớn hơn, đảm bảo tiến độ cho dự án.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ban QLDA 7 cho biết, theo cam kết của các nhà thầu với Bộ GTVT, đến ngày 15/4/2022, sản lượng thi công của dự án phải đạt 34,5% (2.094 tỷ đồng), đến 30/4/2022 sản lượng đạt 36% (2.183 tỷ đồng) và đến 30/6/2022 đạt 50,8% (3.081 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến ngày 15/4/2022, sản lượng mới đạt 32,9% hợp đồng (1.997/6.065 tỷ đồng), sản lượng thi công từ ngày 15/3 - 15/4 là 272/357 tỷ đồng, đạt 76% so với cam kết. Nhìn chung, tiến độ dự án vẫn chậm, 1 tháng qua vẫn không có nhiều chuyển biến.

Để chấn chỉnh và xử lý nhà thầu yếu kém, chậm tiến độ, trong tháng 3 và đầu tháng 4/2022, Ban QLDA 7 đã điều chuyển 16,5 km thi công của 3 nhà thầu chính, phụ và 4 tổ đội thi công yếu kém để yêu cầu các nhà thầu chính, nhà thầu trong liên danh thi công thực hiện. Hiện nay, Ban QLDA 7 đang đánh giá, đến 30/4, sản lượng thi công dự kiến đạt 290/446 tỷ đồng, so với kế hoạch chậm 12%, tương đương 40 tỷ đồng.

Vật liệu đất đắp của dự án vẫn thiếu hụt trầm trọng

Vật liệu đất đắp của dự án vẫn thiếu hụt trầm trọng


Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA 7, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ vẫn là do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất, công tác đắp nền đường mặc dù đã có tiến triển nhưng vẫn còn chậm ở tất cả các gói thầu, chỉ đạt 79,6% so với kế hoạch điều chỉnh đã đề ra (4,0/5,0 triệu m3).

Theo đó, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP rất chậm. Trong 6 mỏ đề nghị cấp thì đến đầu tháng 4/2022 mới chỉ có 1 mỏ được cấp phép và đủ điều kiện khai thác đất. Đến nay, 3 mỏ đã được cấp phép khai thác nhưng còn phải hoàn thiện các thủ tục sau cấp phép (3 thủ tục: thuê đất, thiết kế và cắm ranh mỏ, trong đó thủ tục thuê đất gồm 10 bước nhỏ với thời gian thực hiện kéo dài) dự kiến cuối tháng 4/2022 mới có thể khai thác; 2 mỏ đang làm thủ tục cấp phép, dự kiến đến tháng 5/2022 mới có thể khai thác.

Qua tìm hiểu, đa số các nhà thầu không có lãnh đạo trực tiếp ở công trường để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Nhân sự Ban điều hành công trường chưa đáp ứng yêu cầu công việc dẫn đến chậm trễ hồ sơ điều chỉnh phát sinh. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt tài chính ở một số nhà thầu, mũi thi công dẫn đến tình trạng chậm cung cấp vật tư, vật liệu, nợ lương nhân công; nhà thầu vẫn chưa tập trung thi công cuốn chiếu, đẩy nhanh tiến độ thi công các lớp móng mặt đường để đẩy sản lượng; chưa quyết liệt tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp đề bù tiến độ.

Ý kiến của bạn

Bình luận