Toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam 2019

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 27/12/2019 06:00

Phí trước bạ ô tô bán tải tăng gấp 3, Hyndai Thành Công đổi tên và nhận diện thương hiệu, cuộc đua giảm giá xe khốc liệt là những dấu ấn nổi bật của thị trường ô tô trong năm 2019.

ictnewthi-truong-o-to-2019570x380-1577324711358766

    Phí trước bạ của xe bán tải tăng gấp 3

    Tháng 4/2019, lệ phí trước bạ cho các dòng xe bán tải và xe Van sẽ chính thức tăng gấp 3 lần so với mức cũ khi Nghị định số 20 có hiệu lực.

    Theo quy định này, ô tô Pickup từ 5 chỗ ngồi trở xuống sẽ nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống thay vì 2% như cũ. Với mức này, phí trước bạ xe bán tải 2019 sẽ tăng lên thành 6 - 7,2%. Trong đó, mức 7,2% áp dụng tại Hà Nội. Với mức tăng đó, mức phí trước bạ tăng gấp 3 lần so với mức 2% trước đó. Tại Hà Nội mức tăng là 3,6 lần và tạo nên những thay đổi đáng kể trên thị trường ô tô.

    Xe VinFast đến tay khách hàng Việt Nam

    photo-1-157732448227154690307

    Năm 2019 đánh dấu sự kiện các dòng xe ô tô của VinFast đến tay khách hàng Việt Nam theo lộ trình mà hãng xe Việt đã cam kết trước đó.

    Những chiếc Fadil được giao cho khách hàng vào tháng 6 và bộ đôi Lux đến tay khách hàng vào tháng 7. Dù còn nhận được rất nhiều ý kiến khen, chê trái chiều từ người tiêu dùng nhưng không phủ nhận những nỗ lực mà VinFast đã thực hiện được trong thời gian ngắn để đưa các mẫu xe này đến tay khách hàng.

    Ra thị trường, các dòng xe VinFast phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đang có mặt trên thị trường ô tô Việt Nam vốn rất khắc nghiệt. VinFast tăng giá bán xe theo lộ trình dự kiến đồng thời trong thời gian ngắn hãng cũng điều chỉnh phương thức bán hàng khi không còn cung cấp các tùy chọn cho khách trên 2 mẫu xe cao cấp VinFast Lux. Hãng xe Việt cũng đẩy mạnh các chương trình bán hàng bằng cách miễn phí lãi suất vay hay các hình thức khuyến mại khác để tăng thêm sức cạnh tranh cho các dòng xe của mình trong bối cảnh thị trường giảm giá mạnh.

    Nissan Nhật Bản và Tan Chong gia hạn hợp đồng phân phối xe tại Việt Nam

    photo-2-15773244822751299279831

    Thay vì kết thúc vào tháng 9/2019, Tan Chong sẽ vẫn tiếp tục quyền nhập khẩu và phân phối xe Nissan tại thị trường Việt Nam đến năm 2020 theo một bản hợp đồng gia hạn.

    Như vậy, hợp tác liên doanh giữa hai đối tác này tại thị trường Việt Nam sẽ được gia hạn thêm 1 năm, từ 10/9/2019 đến hết ngày 30/9/2020.

    Sau thỏa thuận, Tan Chong tiếp tục mở rộng hoạt động dù kết quả kinh doanh của thương hiệu Nissan tại thị trường Việt Nam không mấy khả quan. Nhiều thông tin cho thấy Tan Chong cũng đang mở rộng hoạt động lắp ráp xe tại Đà Nẵng và nỗ lực đưa một thương hiệu xe Trung Quốc khác vào thị trường Việt Nam.

    Hyundai Thành Công đổi nhận diện thương hiệu thành TC Motor

    Cuối tháng 7, Tập đoàn Thành Công ra mắt TC Motor và đây sẽ là đại diện cho Tập đoàn Thành Công trong các lĩnh vực hoạt động về công nghiệp ô tô thay cho Hyundai Thành Công vốn được nhiều người biết đến.

    Với việc đổi nhận diện này, Tập đoàn Thành Công cho biết sẽ sản xuất và kinh doanh các thương hiệu khác ngoài Hyundai. Điều này khá đúng với các thông tin đồn đoán trong thời gian qua về việc Thành Công sẽ hợp tác với một số thương hiệu ô tô khác tại thị trường Việt Nam. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có các thông tin chính thức.

    TC Motor cũng đã có một năm gặt hái nhiều thành công với thương hiệu Hyundai khi bán ra hơn 63.000 chiếc xe, là 1 trong 3 thương hiệu nắm thị phần lớn tại thị trường ô tô Việt Nam.

    Ford Focus bị khai tử

    Ford chính thức xác nhận dừng lắp ráp Ford Focus tại Việt Nam vào tháng 8/2019. Thực tế,  Ford Việt Nam dừng sản xuất Focus tại nhà máy Ford Hải Dương từ tháng 6/2019.

    Đại diện Ford cho biết: "Việc thay đổi kế hoạch sản xuất này nằm trong chiến lược chung của khu vực và nhằm mục đích tập trung cho việc sản xuất các dòng xe thế mạnh có nhu cầu khách hàng cao tại Việt Nam.Ford Việt Nam vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các dòng xe lắp ráp trong nước (CKD) trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của khách hàng".

    Sau khi khai tử Focus, Ford cũng xác nhận việc lắp ráp hai mẫu xe là Ford Tourneo và Escape. Hai mẫu xe này cũng đã được ra mắt ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, mới chỉ có Tourneo được bán ra còn Escape sẽ được bán vào đầu năm sau.

    Xe nhập khẩu trở lại và bùng nổ

    Xe nhập khẩu nguyên chiếc trở lại Việt Nam nửa cuối năm 2018 và bắt đầu bùng nổ vào năm 2019. Theo Tổng cục Hải quan,  11 tháng đầu năm 2019, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt trên 135.200 chiếc, đạt trị giá 2,91 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các dòng xe nguyên chiếc tăng chủ yếu là xe dưới 9 chỗ nhập khẩu từ thị trường ASEAN khi thuế nhập khẩu được giảm về 0%.

    Nhập khẩu xe nguyên chiếc tăng mạnh khiến cho nguồn cung xe nguyên chiếc tại Việt Nam đảm bảo và tăng trưởng mạnh so với năm 2018. Khoảng cách giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp cũng vì thế mà được rút ngắn.

    Giá xe giảm liên tục và ngày càng cạnh tranh khốc liệt

    Giá xe ô tô năm 2019 giảm xuống thấp "chạm đáy" khi các hãng xe và đại lý đồng loạt giảm giá để giải phóng bớt hàng tồn và đón các mẫu xe mới. Xu hướng giảm giá xe bắt đầu từ tháng 8 (tháng 7 Âm lịch) và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù thị trường đang ở vào thời điểm nhộn nhịp nhất.

    Các dòng xe ăn khách như Toyota Vios, Fortuner, Wigo, Innova; Mazda CX-5, Mazda3 hay Ford Everest, Ecosport đều được giảm giá, khuyến mại vài chục triệu đồng. Giá xe vẫn tiếp tục giảm và có chiều hướng giảm sâu hơn khi cả các hãng xe và đại lý vẫn liên tiếp công bố các chương trình ưu đãi.

    Các mẫu xe "hot" như Honda CR-V, Toyota Fortuner không còn chênh giá tại đại lý ở thời điểm giáp Tết thậm chí còn được giảm giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

    Xu hướng giảm giá không chỉ tác động đến phân khúc xe phổ thông mà cả các mẫu xe sang khi đại lý bị áp lực bởi hàng tồn kho. BMW, Audi, Mercedes - Benz,... đều phải giảm giá xe hàng trăm triệu đồng. Việc giảm giá đến từ sức ép cạnh tranh của thị trường ô tô năm 2019 cạnh tranh rất khốc liệt về giá. Nguyên nhân do thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng không như dự đoán dẫn đến lượng hàng tồn kho của các hãng xe rất nhiều. Sức ép của hàng tồn đối với các hãng xe và đại lý rất lớn, đó là lý do vì sao phải giảm giá xe để cạnh tranh.

    Ý kiến của bạn

    Bình luận