TP.HCM kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe thu phí sai quy định

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/03/2020 14:05

Sở GTVT TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu mức học phí tại các cơ sở đào tạo lái xe, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định.

Trước những thông tin đồn thổi về việc Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT (Thông tư 38) nên các cơ sở đào tạo lái xe tăng mức học phí lên 20 - 30 triệu đồng khiến nhiều người dân tại TP.HCM đổ xô đi đăng ký học bằng lái xe.

Để rộng đường dư luận Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với Sở GTVT TP.HCM. Ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Về mức học phí đào tạo giấy phép lái xe (GPLX) hiện nay được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 72 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Theo đó, mức thu học phí là do cơ sở đào tạo tự quyết định dựa trên cơ sở đầu tư lắp đặt những trang thiết bị đào tạo về trường, lớp, phương tiện phục vụ việc học và một số phí do nhà nước quy định nhưng mức học phí phải ổn định tối thiểu trong một khoá học. Vì thế, không có chuyện các cơ sở tự ý tăng mức học phí lên cao gấp 2,3 lần như thông tin trên các trang mạng xã hội”.

Tất nhiên câu chuyện tăng học phí sẽ có, do Thông tư 38 có hiệu lực các cơ sở đào tạo sẽ phải trang bị thêm camera, máy quét vân tay, phần mềm mô hình mô phỏng các tình huống giao thông... Vì vậy các cơ sở đào tạo sẽ tự tính toán mức học phí và phải đăng ký mức học phí với cơ quan nhà nước mà cụ thể là Sở GTVT, ông An lý giải.

IMG_5055
Trong thời gian tới Sở GTVT TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra mức thu phí đào tạo bằng lái xe tại một số đơn vị.

Ông An cho biết, sau khi nhận được danh sách đăng ký mức học phí của các cơ sở đào tạo GPLX trên địa bàn thành phố, Sở GTVT sẽ tổng hợp đầy đủ mức học phí cụ thể của từng cơ sở và thông báo rộng rãi để người dân được biết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch. Trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM sẽ có kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thực tế mức học phí mà học viên thực đóng cho các cơ sở đào tạo có đúng với mức học phí mà cơ sở đã đăng ký cho Sở GTVT hay không. Nếu phát hiện có sai phạm chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định.

hình 2
Sở GTVT TP.HCM khuyến cáo người dân nên tỉnh táo lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe uy tín để tránh bị lừa gạt.

Theo các chuyên gia giao thông Thông tư 38 ra đời càng chặt chẽ trong quy định đào tạo sát hạch GPLX, học viên sẽ được học đúng, học đủ chương trình và nắm chắc về luật an toàn giao thông, xử lý tốt càng tình huống khi tham gia giao thông. Đây là quy định rất cần thiết, góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an toàn, trật tự giao thông.

Ông Ngô Đình Quang - Trưởng phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM) cho biết: “Tính đến cuối năm 2019 trên địa bàn TP.HCM có 73 cơ sở đào tạo lái xe với tổng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô là 66.208 học viên các hạng. Trong năm 2019 Sở GTVT đã cấp 8.5446 GPLX (tăng 3,8% so với năm 2018), số thí sinh đạt sát hạch và được cấp GPLX là 351.768 học viên. Trong đó số lượng thí sinh đạt sát hạch và được cấp GPLX mô tô là 213.538 học viên, ô tô là 138.230 học viên. Tỉ lệ đậu trung bình là 72,1% (giảm 8,9% so với năm 2018)”.

Hiện nay mức thu học phí của các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP.HCM chỉ tăng từ 10 – 20% so với năm 2019. Theo báo cáo của các trường, học phí cao nhất đối với bằng B2 mới chỉ ở mức 15 triệu đồng chứ không có việc học phí tăng lên 20 – 30 triệu đồng. Do nhu cầu của người dân tăng lên nên lượng hồ sơ đăng ký tại nhiều cơ sở đào tạo bị quá tải do lưu lượng đào tạo đã kín. Hiện bên ngoài có nhiều đối tượng tung thông tin thất thiệt nhằm thu hút học viên và tăng học phí vì vậy để tránh tình trạng bị lừa gạt người dân nên tỉnh táo đến các cơ sở đào tạo, các điểm ghi danh đã đăng ký với Sở GTVT, khi đăng ký học và đóng tiền phải có phiếu thu theo quy định và phải được ký hợp đồng đào tạo với các trường, các trung tâm đào tạo… ông Quang khuyến cáo.

Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT quy định các cơ sở cấp GPLX phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để đảm bảo học viên được đào tạo đầy đủ thời gian. Nếu không tham gia đầy đủ, học viên sẽ không được dự thi sát hạch kể từ ngày 1/5/2020. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cấp GPLX còn phải lắp thêm thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành của học viên để kiểm soát số km thực tế. Ngoài việc đảm bảo thời gian đào tạo học viên, việc giám sát này còn tránh được tình trạng học hộ, thi hộ.

Trình tự thi sát hạch giấy phép lái xe mới gồm 4 nội dung: lý thuyết, mô phỏng, trên sa hình, trên đường (trước đó, học viên chỉ phải trải qua 3 nội dung sát hạch là lý thuyết, trên sa hình và trên đường). Sắp tới, các cơ sở đào tạo lái ôtô bổ sung 2 môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Khi học viên học trên cabin sẽ có phần mô phỏng lại các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên phần mềm.

Ngoài ra, học viên được yêu cầu thử xử lý tình huống để có kỹ năng phòng tránh tai nạn đáng tiếc. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường. Về số lượng câu hỏi lý thuyết cũng tăng từ 450 câu lên 600 câu.

Ý kiến của bạn

Bình luận