Chiều 29/4, nhiều người dân và sinh viên tại TP.HCM bắt đầu di chuyển ra bến xe để về quê dù trời mưa lớn.
Tại khu vực Bến xe miền Đông, quận Bình Thạnh, hành khách tập trung lấy vé và di chuyển các tuyến miền Trung và Tây Nguyên như Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đà Lạt...
Ghi nhận tại bến từ đầu giờ chiều hành khách bắt đầu ra bến. Đến hơn 15h, khi các phương tiện lưu thông bắt đầu đông đột biến, đổ dồn về hướng Bến xe miền Đông đã làm cho các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) ùn ứ, đi lại rất khó khăn.
Hành khách chủ yếu đi các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ
Ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, dự kiến trong 5 ngày (từ ngày 29/4 đến ngày 3/5), lượng khách qua bến dự kiến đạt 59.600 lượt, bằng 70% so với dịp lễ cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lượng khách đi lại cao nhất tập trung trong 2 ngày 29/4 và 30/4.
Bên cạnh đó, ngày 29/4 cũng là ngày cao điểm đi lại với lượng hành khách qua bến dự kiến khoảng 35 nghìn người, tăng rất cao so với ngày thường. Hiện các xe khách đi về các địa phương nhỏ lẻ đều đã kín chỗ. Bến xe cũng đã làm việc với nhiều đơn vị để có phương án tăng cường phương tiện, tài xế để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Về việc tăng giá vé dịp lễ, đại diện Bến xe Miền Đông cho biết: Giá vé đi lại trong dịp lễ tăng từ 20% đến 40% so với ngày thường. Cụ thể, tuyến xe từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào Bình Thuận, các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Tây, giá vé tăng không quá 40% so với ngày thường.
Các tuyến thuộc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước tăng không quá 20% so với ngày thường. Bến xe miền Tây dự báo lượng khách đi lại dịp lễ đạt khoảng 80 - 85% so với cùng kỳ năm 2021, với khoảng 18.000 đến 19.000 lượt khách/ngày, tăng từ 2,5 đến 3 lần so với ngày thường. Giá vé tăng không quá 40% so với giá vé ngày thường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.