UBND TP.HCM tổ chức họp tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách 7 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 8 năm 2016. |
Ngày 1/8, UBND TP.HCM tổ chức họp tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách thành phố 7 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 8 năm 2016. Báo cáo tại hội nghị ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố được đảm đảm bảo, thực hiện tuần tra phát hiện, lập biên bản xử lý 47.524 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, kiểm tra và xử lý 1.118 trường hợp nghi vấn xe quá khổ, chở hàng quá tải, tước giấy phép lái xe 11.201 trường hợp, tạm giữ 6.254 xe các loại; ra quyết định xử phạt 25.147 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu hoảng 16,7 tỷ đồng".
Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 323 vụ, làm chết 68 người, bị thương 242 người (so cùng kỳ tăng 23 vụ, tỷ lệ 9,12%; số người chết tăng 14 người, tỷ lệ 25,9%, số người bị thương giảm 3 người, tỷ lệ 1,22%). Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết (so cùng kỳ không tăng giảm về số vụ và số người chết). Xảy ra 5 vụ va chạm giao thông trên tuyến thủy nội địa, không gây thiệt hại về người, tài sản thiệt hại không đáng kể.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gay gắt phê bình: "Tai nạn giao thông tăng cả về số vụ và số người chết, tôi đã nói Sở GTVT phải có chỉ thị gửi cho các quận, huyện triển khai nhiệm vụ và tìm kiếm giải pháp giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Hiện nay nếu đi vào sân bay Tân Sơn Nhất giờ cao điểm thì các đồng chí sẽ thấy khổ sở vì tình trạng kẹt xe kéo dài và khu vực cảng Cát Lái cứ 6 giờ chiều là “kẹt xe một cách kinh khủng”."
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM báo cáo về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố. |
Ông Bùi Xuân Cường lý giải: Theo quy hoạch, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất năm 2016 phục vụ 25 triệu hành khách nhưng hiện nay đã đạt hơn 30 triệu. Vừa qua Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo năm 2019 khởi công sân bay Long Thành, như vậy ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ là bài toán cần giải cho chúng ta trong 10 năm tới.
Phần phía ngoài, chúng ta đã quy hoạch tương đối bài bản, ngoài các trục đường thành phố đang triển khai thì có 2 tuyến đường sắt đô thị số 4 và số 5 cũng được kết nối trung chuyển với khu vực sân bay. Vừa qua một số công trình hạ tầng giao thông đường bộ cũng được đầu tư như đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, đường Trường Sơn, đường Cộng Hòa, cầu vượt thép Lăng Cha Cả...
Hệ thống đường nội bộ trong sân bay được đưa vào đường thành phố và lực lượng chức năng có thể xử phạt, tăng thêm các tuyến xe buýt kết nối với Bến xe Miền Đông và Miền Tây. Bộ GTVT cũng đã thành lập một tổ công tác và đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thuê tư vấn đánh giá và bố trí kết nối hạ tầng lại toàn bộ khu vực trong thời gian chờ sân bay Long Thành. Mở thêm đường trên cao, nhà ga mới khu vực Hoàng Hoa Thám… các biện pháp đang được triển khai rất đồng bộ.
Việc gần nhất là thành phố đang triển khai làm 2 cầu vượt, cầu vượt thứ nhất ngay khu vực sân bay để xe đi vào ga quốc tế và nội địa không giao cắt với mặt đất, phương án cầu chữ y đã có. Cầu thứ 2 là đang nghiên cứu xây một cầu khu vực đường Phạm Văn Đồng – Nguyễn Kiệm tại 2 nhánh ra vào sân bay. 2 cầu vượt được đầu tư đưa vào sử dụng sẽ tháo gỡ 2 nút ra vào sân bay.
Về điểm nóng tại khu vực cảng Cát Lái, theo quy hoạch, lượng hàng qua cảng năm 2016 là 36 triệu nhưng hiện nay lên đến 43 triệu. Vừa qua Sở GTVT và Phòng PC67 cũng đã làm việc với Cảng Cát Lái để tìm biện pháp giảm ùn tắc, phương án ngắn hạn dài hạn đều đã có. Hiện nay, việc kiểm soát tải trọng tốt nên lượng xe và lượng hàng sẽ tăng, chưa kể lượng hàng tại cảng 6 tháng tăng 11% so với cùng kỳ. Số lượng đăng ký ô tô và container mới trên địa bàn thành phố tăng 83% so với cùng kỳ.
Hiện nay, Cảng Cát Lái đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng tâm, 60% lượng hàng hóa từ Cảng Cát Lái đi Cái Mép và ngược lại nên áp lực giao thông đường bộ rất lớn. 10 dự án hạ tầng tại khu vực này đang được triển khai như mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, cầu Nguyễn Thị Định mở rộng lên 60 mét, cầu Cát Lái, cầu nối với cầu Giồng Ông Tố giảm tải cho đường Nguyễn Thị Định... Từ nay cuối năm 2016 sẽ giảm tải cho cảng Cát Lái.
Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở GTVT làm việc với các đơn vị liên quan bàn biện pháp giảm ùn tắc tại khu vực Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. |
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Về giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất, vừa qua, tôi đã làm việc với Bộ GTVT và Bộ Quốc Phòng bàn các giải pháp. Hiện nay, tại thành phố đã có 6 dự án tác động giảm tải ùn tắc tại sân bay nhưng hiện nay vẫn ùn tắc do lượng hành khách vượt công suất. Trong thời gian chờ sân bay Long Thành thì giải pháp trước mắt Bộ GTVT cũng đã thành lập một tổ công tác đánh giá và bố trí kết nối hạ tầng lại toàn bộ khu vực sân bay. Bộ quốc phòng đã đồng ý xin Thủ tướng giao đất cho thành phố phục vụ kết nối hạ tầng giao thông”.
Ông Phong đề nghị Sở GTVT làm việc với các đơn vị liên quan bàn biện pháp giảm ùn tắc tại khu vực Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. “Các sở, ban, ngành phải thực hiện triển khai đồng bộ để người dân biết mình đang tích cực hành động kéo giảm, mình không làm quyết liệt sẽ bị người dân phê bình”, ông Phong nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.