Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban ATGT TP.HCM, Công an thành phố, Chi cục Đường thủy nội địa Khu vực III, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM; Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực III; Chi cục Đăng kiểm số 6 , UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện… tăng cường công tác triển khai các kế hoạch, biện pháp phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
Sở GTVT TP.HCM đề nghị Công an thành phố chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện thủy vận tải hành khách, xử lý hành vi vi phạm đối với phương tiện vận tải hành khách, hành trình không có giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền. Kiểm tra, xử lý vi phạm các bến thủy nội địa hoạt động không được công bố của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với phương tiện thủy nội địa không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực III theo chức năng nhiệm vụ kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy tại cảng, bến thủy nội địa, đặc biệt là các hành vi vi phạm về phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hiệu lực hoạt động.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực III rà soát, đề xuất Sở GTVT không công bố lại hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến để xảy ra vi phạm về bảo đảm điều kiện an toàn hoạt động bến nhiều lần (nếu có).
Chi cục Đăng kiểm số 6 theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tăng cường công tác phối hợp kiểm tra về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy trên địa bàn thành phố.
Sở GTVT giao Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM tăng cường thực thi công tác cảng vụ đối với các phương tiện thủy vào - rời cảng, bến thủy nội địa. Tuyệt đối không cấp giấy phép vào - rời cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện thủy không đầy đủ các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định.
Phòng CSGT đường thuỷ (Công an TP.HCM) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay đã kiểm tra 2.780 trường hợp, lập biên bản xử phạt với tổng số tiền là hơn 8,2 tỷ đồng. Trong đó có 35 trường hợp vi phạm quy định đón trả khách, xếp dỡ hàng hoá tại bến không phép, 12 trường hợp vi phạm về vận chuyển hành khách, 35 trường hợp vi phạm xếp, dỡ hàng hoá trên phương tiện; 1.989 trường hợp vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn…
Trước đó, Tạp chí GTVT đưa tin, vào khoảng 17h ngày 10/11, ông Nguyễn Văn Nhất điều khiển du thuyền SG-8797 của Công ty TNHH du thuyền T-Yacht chở theo 10 người trên sông Sài Gòn, từ TP.Thủ Đức đến cầu Bến Súc, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Đi cùng ông Nhất còn có thuyền phó và thuyền viên.
Khi vừa qua khỏi cầu Bến Súc khoảng 1km thì 10 người khách trên được một ca nô đón và chở về hướng Củ Chi. Ông Nhất cùng hai đồng nghiệp lái du thuyền quay trở lại TP.Thủ Đức. Khi đến khu vực thuộc ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng thì phương tiện này bất ngờ bốc cháy từ hầm máy.
Cả ba người dùng vật dụng chữa cháy tại chỗ dập lửa nhưng bất thành. May mắn họ được một chiếc ghe của người dân cứu thoát khỏi du thuyền kịp thời. Sau vụ cháy, chiếc du thuyền chìm dưới sông Sài Gòn. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.