TransJakarta: Hệ thống BRT lớn nhất thế giới

Tác giả: Hà Vũ

saosaosaosaosao
Sản phẩm 29/06/2017 15:13

Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) là một hệ thống vận tải công cộng dựa trên xe buýt sử dụng hệ thống cơ sở vật chất, đường sá dành riêng nhằm cải thiện chất lượng hệ thống và loại bỏ các nguyên nhân gây chậm trễ cho hệ thống giao thông công cộng thông thường. Để được coi là buýt nhanh, xe buýt phải hoạt động trên phần lớn chặng đường của chúng trong một tuyến đường dành riêng (thường nằm ở giữa các tuyến đường) để tránh tắc nghẽn giao thông với quyền ưu tiên tại các điểm giao khi gặp các phương tiện thông thường).

 

2
 

Hệ thống BRT đầu tiên trên thế giới được đưa vào hoạt đông vào năm 1974 tại Curitiba, Brazil, tạo động lực cho nhiều quốc gia cùng áp dụng hệ thống giao thông công cộng còn non trẻ này. Vào năm 2000, Colombia cũng đưa vào hệ thống BRT của riêng mình. Khi TransMilenio đi vào hoạt động, Colombia trở thành quốc gia thứ hai áp dụng BRT vào giao thông đường bộ.

Tính đến thời điểm cuối năm 2016, đã có 207 thành phố trên toàn thế giới sử dụng BRT với tổng chiều dài quãng đường hoạt động đạt 5.468km, phục vụ 34 triệu hành khách đi lại mỗi ngày. Trong đó, Nam Mỹ chiếm 24 triệu hành khách sử dụng/ngày. Hiện nay, tuyến BRT TransJakarta của Indonesia được ghi nhận là tuyến BRT có chiều dài hoạt động lớn nhất trên toàn thế giới với chiều dài vào khoảng 210km.

TransJakarta là tuyến xe buýt nhanh BRT đầu tiên xuất hiện tại Đông Nam Á. Sau khi đi vào hoạt động tại Thủ đô Jakarta vào đầu năm 2004, TransJakarta được chính quyền Indonesia trông đợi là giải pháp cải tổ mới cho hệ thống giao thông công cộng tại Thủ đô, vốn có mật độ tắc nghẽn giao thông do lượng phương tiện cá nhân lớn và sự kém hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng. Các xe buýt thuộc tuyến TransJakarta di chuyển trên làn dành riêng, với giá vé được quy định và quản lý bởi chính quyền khu vực.

Nhờ vào mức giá dễ chịu, chất lượng dịch vụ tốt và thời gian đi lại ngắn, hệ thống TransJakarta đã đạt được mức tăng trưởng về số lượng hành khách sử dụng (123,73 triệu hành khách sử dụng BRT trong năm 2016). Trong khi đó, giá vé trong suốt 12 năm hoạt động hầu như không thay đổi.

TransJakarta được chia làm 12 tuyến hoạt động, bao phủ toàn bộ Thủ đô Jakarta. Ngoài ra, 18 tuyến nối liền cũng đã được đưa vào sử dụng nhằm kết nối các hành khách sử dụng BRT đến các hệ thống giao thông công cộng khác và các khu vực quan trọng của Jakarta. Hiện tại, TransJakarta đang sở hữu 1.506 xe buýt và dự kiến con số này sẽ lên tới 3.000 xe buýt vào cuối năm 2017.

Về mặt thiết kế, xe buýt hoạt động trên tuyến TransJakarta được thiết kế với tiêu chí an toàn cho hành khách được đưa lên hàng đầu. Toàn bộ khung xe được chế tạo từ hợp kim Galvazyl với khả năng chịu tải cực lớn và chống ăn mòn do thời tiết. Bên cạnh đó, mỗi xe được quy định bắt buộc phải trang bị tối thiểu 8 búa đập kính thoát hiểm với 3 cửa thoát hiểm và hệ thống chữa cháy khẩn cấp. TransJakarta hiện đang sử dụng Mercedes-Benz OH and Hino RG sử dụng nhiên liệu đặc biệt (được tổng hợp từ diesel và biodiesel). Ngoài ra, xe buýt của tập đoàn Hàn Quốc Daewoo cũng đang gia tăng sự hiện diện trong các tuyến đường mới của TransJakarta.

Về khả năng hoạt động, mỗi xe buýt có sức chứa tối đa 30 hành khách có ghế ngồi và 50 hành khách đứng. Tuy nhiên, lượng hành khách đứng có thể lên tới 80 người/xe vào giờ cao điểm. Cửa dành cho hành khách được thiết kế cao hơn so với xe buýt thông thường, khiến cho hành khách chỉ có thể lên được xe tại các trạm xe buýt dành riêng cho BRT. Hệ thống cửa hành khách cũng được thiết kế trượt ngang để có thể đóng được khi lượng hành khách đi xe vượt quá sức chứa tối đa. Mỗi xe buýt còn được trang bị 2 loa phát thanh nhằm thông báo tên các bến chờ. Nhằm tạo thuận tiện cho người dân và khách du lịch, các trạm đến đều được thông báo bằng tiếng Anh và tiếng Indonesia. Bên cạnh đó, buồng lái xe BRT đều được trang bị hệ thống radio giúp tài xế cập nhật được tình hình giao thông của thành phố.

Nhằm đối phó với các hành vi trái pháp luật, các nhà quản lý hệ thống TransJakarta cũng tiến hành lắp đặt hệ thống camera cho mỗi xe buýt vào năm 2011. Vào năm 2016, TransJakarta cũng đưa vào hoạt động thử nghiệm một số xe buýt dành riêng cho phụ nữ nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối. Các xe buýt này được điều hành bởi các tài xế và nhân viên nữ. Ngoài ra, TransJakarta cũng có kế hoạch đưa thêm 300 xe buýt có cửa lên dành cho người khuyết tật.

Các điểm chờ của xe buýt BRT cũng khác với các điểm chờ của xe buýt thông thường. Điểm chờ của TransJakarta được đặt ở giữa các tuyến đường và được nối với đường cho người đi bộ bằng hệ thống thang vượt. Một số điểm chờ lớn còn được trang bị hệ thống thang máy, đường nối liền với các tòa nhà xung quanh. Hệ thống điểm chờ hoạt động từ 5h sáng cho đến 22h tối và có thể kéo dài nếu vẫn còn hành khách có nhu cầu sử dụng.

Hệ thống mua vé, soát vé của TransJakarta được hoàn toàn tự động hóa với việc áp dụng hệ thống vé điện tử e-tickets vào năm 2013. Người sử dụng sẽ sử dụng các thẻ điện tử nạp tiền sẵn để ra vào cổng soát vé. Giá vé của chuyến đi được tính dựa trên khoảng cách từ 2 điểm di chuyển của hành khách. Các thẻ e-ticket có thể được nạp tiền bằng cách sử dụng các trạm dành riêng hoặc các điểm ATM

Ý kiến của bạn

Bình luận