Triển khai công ước SOLAS liên quan đến hoạt động TKCN trên biển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 29/01/2018 15:20

Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, có bờ biển dài hơn 3.260km, với nhiều cảng biển.

 

lai dat tau ca
 

Hoạt động khai thác thủy sản, đặc biệt là loại hình đánh bắt cá xa bờ với số lượng tàu thuyền rất lớn của ngư dân các tỉnh ven biển, hoạt động khai thác dầu khí ngày càng sôi động với các dự án khai thác lớn. Các yếu tố trên phần nào làm mật độ giao thông trên biển ngày càng tăng, theo đó số vụ tai nạn, sự cố hàng hải trong vùng trách nhiệm của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Với những lý do trên, ngày 18/3/1991, Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng trên biển SOLAS.

Công ước SOLAS đưa ra các tiêu chuẩn đối với việc thiết kế và tính ổn định vững chắc của tàu khách và tàu chở hàng, lắp đặt máy móc và thiết bị hàng hải, phòng chống cháy nổ, phương tiện cứu sinh, thông tin liên lạc, an toàn hành hải, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, kết cấu và khai thác tàu… cho các quốc gia ven biển, quốc gia có đội tàu biển và những người tham gia hoạt động trên biển phải thực hiện nhằm bảo vệ an toàn sinh mạng cho người và tàu thuyền hoạt động.

Liên quan đến tìm kiếm cứu nạn, trong Chương V, Điều 7, 8, 9 của SOLAS quy định mỗi chính phủ ký kết có trách nhiệm áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc thông tin và phối hợp cứu hộ những người gặp tai nạn trên biển và xung quanh bờ biển của quốc gia đó. Những biện pháp này phải bao gồm việc thiết lập, sử dụng và duy trì phương tiện cứu hộ trên biển, được coi là cần thiết và có thể thực hiện được, căn cứ vào mật độ tàu qua lại và những mối nguy hiểm đối với hàng hải, phải đảm bảo đủ các phương tiện để phát hiện và cứu những người đó.

Khi Việt Nam chính thức tham gia Công ước SOLAS, Chính phủ đã thành lập các đơn vị chuyên trách về tìm kiếm cứu nạn, đứng đầu là Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn được thành lập theo Quyết định số 780/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và là cơ quan quyền lực cao nhất thay mặt Chính phủ chỉ đạo, điều hành các hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với các nước trong khu vực để thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn đồng thời điều động và tổ chức phối hợp các lực lượng, các loại phương tiện của các bộ, ngành, các địa phương, tổ chức và cá nhân để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn; xây dựng các kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn cho người và phương tiện trong các tình huống, bảo đảm kịp thời và có hiệu quả. Là đơn vị chính trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam là trung tâm chuyên ngành trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam và chịu sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Trung tâm trực tiếp chỉ huy và điều hành các lực lượng, phương tiện chuyên nghiệp và không chuyên thuộc ngành Hàng hải tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển thuộc trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, chỉ đạo các tiểu trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực, các lực lượng, phương tiện, các tổ chức, đơn vị cá nhân trong và ngoài nước thực hiện một cách thống nhất, có hiệu quả các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Để đảm bảo cho bộ máy hoạt động đồng bộ, Chính phủ đã ban hành “Quy chế Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển” tại Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg yêu cầu các đơn vị liên quan phối, kết hợp mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường, chủ động xây dựng các phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực, tính chất vụ việc; chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện hoạt động trên biển tham gia cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc trên biển luôn đảm bảo thông suốt, có tầm bao phủ rộng lớn, đóng vai trò là đầu mối trong hoạt động phối hợp thu nhận thông tin báo nạn và giúp cơ quan chức năng điều hành phối hợp các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam được đầu tư nâng cấp theo Quyết định số 597/TTg ngày 30/7/1997. Theo đó, Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, chịu trách nhiệm quản lý và khai thác hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam, trải dài từ Bắc đến Nam dọc theo đường bờ biển của đất nước nhằm đáp ứng mọi nhu cầu thông tin liên lạc giữa tàu và bờ cho các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Đối với thông tin cấp cứu, an toàn và tìm kiếm cứu nạn hàng hải: Toàn bộ hệ thống thực hiện trực canh 24/24h trên các tần số cấp cứu quốc gia và quốc tế theo GMDSS; xử lý kịp thời các báo động cấp cứu thu nhận được và phối hợp với các tổ chức liên quan; phát các bản tin an toàn hàng hải (MSI) gồm: Cảnh báo hành hải, thông báo khí tượng, dự báo thời tiết... cho các phương tiện hoạt động trên biển; cung cấp thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành, phối hợp tìm kiếm cứu nạn giữa các tổ chức tìm kiếm cứu nạn và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn, phương tiện bị nạn.

Như vậy, với một hệ thống phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay đã hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà Công ước SOLAS đưa ra

Ý kiến của bạn

Bình luận