Trình Chính phủ “siêu dự án” đường Vành đai 4 hơn 90.000 tỷ trước 25/12

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Đường bộ 21/12/2021 09:33

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, trước 25/12/2021, Hà Nội có Tờ trình Chính phủ về Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

 

duongvanhdai4
Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các địa phương theo quy hoạch

 Điều chỉnh phạm vi, quy mô đầu tư các dự án thành phần

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 341/TB-VPCP ngày 20/12/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp xem xét việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Thông báo nêu rõ, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án) đã có trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.

Việc triển khai Dự án nhằm mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.

Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND TP. Hà Nội tiếp thu các ý kiến, làm việc với các địa phương có liên quan để điều chỉnh phạm vi, quy mô đầu tư các dự án thành phần; trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP không quá 50% tổng mức đầu tư theo đúng quy định.

Các địa phương cần có Nghị quyết của HĐND hoặc văn bản của Thường trực HĐND về việc chấp thuận triển khai Dự án (trường hợp Thường trực HĐND có văn bản, trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân).

Trước ngày 25/12/2021, UBND TP. Hà Nội có Tờ trình Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục thẩm định sau khi có Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, bảo đảm tiến độ trình Bộ Chính trị, Quốc hội; trong đó có ý kiến đề xuất cơ quan trình Bộ Chính trị, cơ quan trình Quốc hội.

Được biết, theo quy hoạch ban đầu, dự kiến chiều dài toàn tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào khoảng 98km, tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng. Vừa qua, dự án đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, điều chỉnh độ dài lên 111,2km (gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) với tổng mức đầu tư 90.399 tỷ đồng. Dự án đi qua địa phận TP. Hà Nội (58,2 km); Hưng Yên (19,8 km); Bắc Ninh (24,2 km).

Điểm đầu tuyến đường nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án qua địa phận 7 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên, gồm: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP. Bắc Ninh).

Thuyết minh, phân tích cụ thể về lợi thế đầu tư theo phương thức PPP

Liên quan đến siêu dự án này, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã có Công văn số 8721 gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị giải trình, làm rõ hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Theo Hội đồng Thẩm định Nhà nước, hồ sơ Dự án đề xuất hệ thống đường vành đai 4 gồm có tuyến đường cao tốc đi trên cao 6 làn xe và đường đô thị 2 bên rộng 12 m, có vai trò kết nối Vùng Thủ đô Hà Nội, nhưng lại chưa thể hiện được vị trí các khu đô thị hai bên, nên chưa có cơ sở để xem xét về sự cần thiết cũng như vai trò hệ thống đô thị hai bên.

2
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có độ dài 111,2km (gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) - ảnh minh họa 

 

Bên cạnh đó, quy mô giải phóng mặt bằng (GPMB) được UBND TP. Hà Nội đề xuất bao gồm cả dải đất cho hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Điều đáng nói là, tuyến đường sắt đô thị đề xuất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ là sơ bộ, chưa có cơ sở xác định vị trí tuyến cũng như quy mô, vai trò và sự kết nối trong hệ thống quy hoạch, chưa xác định được thời điểm đầu tư nên việc GPMB chưa đủ cơ sở.

Trước đó, tại Tờ trình số 173 ngày 19/8/2021 về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4, UBND TP. Hà Nội đề nghị chia công trình thành 3 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 - công tác GPMB có tổng mức đầu tư khoảng 24.242 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương.

Dự án thành phần 2 - xây dựng đường đô thị, đường song hành với tổng mức đầu tư khoảng 9.399 tỷ đồng, dự kiến sử dụng ngân sách địa phương.

Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc đi trên cao với tổng mức đầu tư khoảng 60.486 tỷ đồng, dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, trong đó, vốn nhà nước 55%, vốn tư nhân 45%.

Tại Dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau giải trình, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án Vành đai 4 đề xuất tổng mức đầu tư Dự án là 95.045 tỷ đồng, tăng 918 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu mà không có thuyết minh, giải trình về sự khác biệt này.

Tại Công văn số 3751 ngày 28/10/2021, UBND TP. Hà Nội đề xuất cơ cấu vốn thực hiện Dự án Vành đai 4 gồm: vốn ngân sách nhà nước 65.970 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 29.075 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu: 4.361 tỷ đồng, vốn vay: 24.714 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Hội đồng Thẩm định Nhà nước, Dự án có mức vốn nhà nước đóng vai trò chủ đạo, chiếm 72% tổng mức đầu tư, vượt mức quy định tại khoản 2, Điều 69, Luật Đầu tư theo phương thức PPP, dẫn đến lợi thế thu hút vốn đầu tư không còn nhiều.

Bên cạnh đó, phương án đầu tư Dự án thành phần 3 theo hợp đồng BOT (Nhà nước hỗ trợ 32.330 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 26.452 tỷ đồng; lãi vay tín dụng 10,17%/năm) sẽ khiến tổng mức đầu tư Dự án tăng 2.633 tỷ đồng (lãi vay trong thời gian xây dựng), trong khi kết quả phát hành trái phiếu chính phủ đợt 169, 170, 171 năm 2021 cho thấy, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 15 năm chỉ có 2,34%/năm.

Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho rằng, trường hợp Chính phủ phát hành trái phiếu để đầu tư Dự án sẽ giảm đáng kể các chi phí nói trên.

Trên thực tế, việc đầu tư theo hình thức PPP gặp khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng, trong đó có cả Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Vì vậy, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị UBND TP. Hà Nội thuyết minh, phân tích cụ thể về lợi thế đầu tư theo phương thức PPP.

Ý kiến của bạn

Bình luận