Trí tuệ nhân tạo là một cuộc chơi mới với rất nhiều những công ty công nghệ trên toàn cầu tham gia, từ Alphabet, công ty mẹ của Google, cho đến Tesla đang liên tục đổ tiền vào lĩnh vực này. |
Theo CNN, vào ngày 21/7, Bắc Kinh đã đưa ra một lộ trình với mong muốn đưa đất nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ. "Đến năm 2020, công nghệ và cơ sở nghiên cứu AI của Trung Quốc sẽ sánh ngang với các quốc gia đang dẫn đầu", Li Meng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã nói. 5 năm sau, ông hy vọng họ sẽ có được "một bước đột phá lớn", và cuối cùng Trung Quốc sẽ trở thành "trung tâm phát triển AI" của thế giới vào năm 2030.
Phát biểu tại một cuộc họp báo đã cho biết thêm thông tin về chiến lược được đưa ra bởi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vào hôm 20/7. Mục tiêu của chiến lược là trong vài năm tới sẽ gây dựng được một ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo trong nước trị giá 150 tỷ USD.
Kế hoạch này dự báo tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực đang rất phát triển của Trung Quốc. Robot dùng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhân viên kho hàng, điều khiển ô tô không người lái, và thậm chí có thể thay thế các bác sĩ bằng máy tính trong tương lai. Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Cambrigde hiện đang sử dụng AI để phát hiện xem liệu động vật có đang bị đau hay không dựa trên những biểu cảm trên gương mặt.
Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Baidu và Tencent đã thành lập trung tâm nghiên cứu AI tại Mỹ. Đặc biệt là Baidu rất lạc quan về ngành công nghiệp này, đến mức đã giành lấy Andrew Ng - một chuyên gia về AI - làm nhà nghiên cứu chính. Ng đã rời công ty hồi đầu năm để theo đuổi những phát minh trí tuệ nhân tạo của riêng mình.
Andrew Ng đã ca ngợi chiến lược mới của Bắc Kinh, khi ông viết trên Twitter rằng nó sẽ "thực sự giúp cho AI của Trung Quốc và trên cả toàn cầu".
Jack Ma, người sáng lập, chủ tịch của Alibaba và hiện đang là người giàu nhất Trung Quốc, cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến một sự thay đổi lớn trong xã hội, với robot thay thế nhiều CEO cũng như giảm bớt số lượng nhân viên cấp cao.
Kế hoạch hành động về trí tuệ nhân tạo của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Mỹ Kỳ sẵn sàng tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, do lo ngại rằng các nước bao gồm Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ có tầm quan trọng chiến lược trong lĩnh vực quân sự.
Chính phủ Trung Quốc cho biết "tình hình an ninh quốc gia và cạnh tranh quốc tế phức tạp" là một phần của động lực thúc đẩy công nghệ AI trong nước. Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này sẽ chủ động "nắm bắt giai đoạn phát triển mới đối với trí thông minh nhân tạo và tạo ra một cạnh tranh mới".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.