Trung Quốc tốn nghìn tỷ để dọn dẹp những nghĩa địa xe đạp

Giao thông toàn cầu 28/12/2021 13:29

Cách đây vài năm, ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp từng là ngành "nóng" nhất ở Trung Quốc, khi vô số công ty đua nhau đổ tiền vào lĩnh vực này cho đến khi nhận ra sự bão hòa thị trường sẽ dẫn đến thất bại. Bức ảnh chụp hàng núi xe đạp bị bỏ đi đã khiến dư luận bàng hoàng.

original

Wu Guoyong, một nhiếp ảnh gia người Thâm Quyến là người đã chụp bức ảnh nổi tiếng bằng cách sử dụng máy bay không người lái để ghi lại những hình ảnh ấn tượng về những núi xe đạp phế thải ở hầu hết các thành phố ở tại Trung Quốc, trong đó, thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến từng là nơi có nghĩa địa lớn nhất, với hơn 200.000 xe đạp rỉ sét. Cuộc thanh lọc xe đạp quy mô lớn khép lại cuốn sách về một trong những hiện tượng công nghệ kỳ quặc của đất nước: bong bóng chia sẻ xe đạp từ 0 lên đến đỉnh điểm và tan vỡ, tất cả chỉ trong 4 năm. Chu kỳ bùng nổ này đã đốt cháy hàng chục tỷ đô la đầu tư, biến một số doanh nhân công nghệ thành tỷ phú, nhưng cũng để lại hệ quả về chi phí dọn dẹp và môi trường xã hội.

Ngành công nghiệp tỷ đô

Cơn sốt chia sẻ xe đạp của Trung Quốc bắt đầu vào cuối năm 2014, khi 5 thành viên của CLB đạp xe Đại học Bắc Kinh có ý tưởng liên kết mô hình cho thuê xe đạp (tương tự như "Boris Bikes" của London và Citibikes của New York) với điện thoại thông minh. Ofo của nhóm trở thành dịch vụ đầu tiên cho phép người dùng thuê một chiếc xe đạp với giá chỉ 1 NDT, được nhận và trả xe ở bất cứ đâu thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh.

Theo ước tính của China Money Network, ý tưởng này nhanh chóng thành công, trở thành cảm hứng cho 70 công ty khác, thu hút hàng chục tỷ NDT vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm, trong đó 5 tỷ USD được rót vào 5 công ty lớn nhất. Ít nhất 2 trong số đó là Ofo và Mobike đã trở thành "kỳ lân" start-up, vượt qua mức định giá 1 tỷ USD. Một công ty khác trong số đó niêm yết tại Thượng Hải có trị giá vốn hóa lúc đỉnh điểm lên tới gần 10 tỷ NDT. Ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp nhanh chóng đạt đến đỉnh cao trước khi trở thành mối phiền toái vì mô hình nhận - trả xe ở bất cứ đâu biến những không gian công cộng như vỉa hè, lối đi bộ, công viên... trở thành bãi tập kết những chiếc xe đạp nhàn rỗi.

covergrave-1024x450
Một nghĩa địa xe đạp khổng lồ

Người dân phải trả phí tái chế xe đạp

Đến năm 2017, hàng đống xe đạp bị vứt bỏ chất thành núi, làm xuống cấp cảnh quan nhiều thành phố. Chính quyền các thành phố đã hành động, đưa ra nhiều quy tắc để điều chỉnh việc sử dụng ứng dụng cho thuê xe đạp. Quá nhiều công ty tham gia vào miếng bánh này đã tạo ra một cuộc chiến khốc liệt khiến giá phí thuê xe đạp giảm xuống chỉ còn 0,1 NDT, nhiều công ty xe cho thuê xe đạp phải chấp nhận chịu lỗ dẫn đến phá sản.

Bluegogo, có trụ sở tại Thiên Tân, công ty chia sẻ xe đạp lớn thứ 3 Trung Quốc đã phá sản vào tháng 11/2017, báo hiệu bong bóng chia sẻ xe đạp đã bắt đầu vỡ. Tiếp sau đó là lần lượt từng công ty chia sẻ xe đạp đóng cửa hoặc bị bán lại. Ofo, công ty tiên phong trong ngành chia sẻ hiện cũng phải chuyển hướng sang thương mại điện tử dưới sự hậu thuẫn của Alibaba.

Điều gì sẽ xảy ra với khoảng 30 triệu chiếc xe đạp chất thành núi trên khắp đất nước? Zhu Qi, quản lý của China Recycling Resources, một công ty tái chế thuộc sở hữu nhà nước ở Bắc Kinh, cho biết: "Xe đạp dùng chung không bao giờ có thể tái sử dụng hoặc bán lại, chỉ có cách thu gom, tháo dỡ và tái chế."

Mỗi chiếc xe đạp chia sẻ có giá vài trăm NDT. China Recycling Resource đã xử lý khoảng 4 triệu phương tiện kể từ năm 2017, trong đó phải chi 5,2 triệu NDT (18,6 tỷ) mua 430.000 chiếc xe đạp từ Xiaoming Bike, công ty đã phá sản vào tháng 7/2018 với giá 12 NDT/chiếc.

"Với năng lực của ngành công nghiệp tái chế ở Trung Quốc, việc xử lý tất cả những chiếc xe đạp phế thải không phải vấn đề quá lớn. Trở ngại lớn nhất là ràng buộc về quyền sở hữu xe đạp khi số lượng xe đạp bị loại bỏ lên tới hàng chục triệu chiếc." - Zhu nói.

Về mặt pháp lý, các công ty chia sẻ xe đạp sở hữu sản phẩm của họ và chịu trách nhiệm về việc xử lý. Nhưng vì hầu hết trong số đó đã phá sản nên chẳng còn quan tâm đến việc dọn dẹp. Hội đồng thành phố Đông Quan ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc đã phải chi 1 triệu NDT (3,58 tỷ đồng) tiền thuế của người dân để dọn hàng chục nghìn chiếc xe đạp bị bỏ hoang ra khỏi đường phố vào năm ngoái với giá 8 NDT/chiếc. "Thời đỉnh cao của tái chế xe đạp đã qua. Các công ty sản xuất xe đạp đã ngừng đốt tiền và đặt hàng đống xe đạp trên đường phố. Chúng dần được thay thế bằng những chiếc xe điện." - Zhu nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận