Ngày 24/8, Trường Đại học GTVT TP. HCM phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia STAIS 2024 với chủ đề: "Ứng dụng công nghệ thông minh trong công nghệ 4.0, thành phố thông minh và phát triển bền vững".
Hội thảo Khoa học Quốc gia STAIS 2024 là nơi các nhà khoa học và chuyên gia cùng nhau chia sẻ những thành tựu mới nhất, thảo luận về các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh trong công nghiệp 4.0; cung cấp một cái nhìn toàn diện về những ứng dụng của công nghệ mới trong cuộc sống hiện đại.
Hội thảo không chỉ tập trung vào nghiên cứu lý thuyết mà còn hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để giải quyết những vấn đề xã hội, qua đó tạo thành một diễn đàn lý tưởng giúp chia sẻ kiến thức, kết nối cộng đồng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, mở rộng mạng lưới liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Tiến Thủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học GTVT TP. HCM cho biết, với 142 bài báo của 300 tác giả trong nước và quốc tế từ các trường gồm: Đại học Thủy Lợi, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghiệp TP. HCM, Đại học Quản lý và Công nghệ TP. HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, Đại học Đại Nam, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sài Gòn, Đại học Kinh tế TP. HCM, Russian University of Transport (RUT-MIIT)… đã khẳng định sự quan tâm của các nhà khoa học và chuyên gia đến việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trong công nghiệp 4.0. Sau quá trình triển khai phản biện nghiêm túc đã lựa chọn được 103 bài báo (chiếm tỉ lệ 72,5%) để trình bày trong hội thảo hôm nay.
PGS. TS. Nguyễn Tiến Thủy hy vọng các nhà khoa học và chuyên gia sẽ cùng nhau chia sẻ những thành tựu nghiên cứu mới nhất, thảo luận các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh, cung cấp một cái nhìn toàn diện về những ứng dụng thông minh với các chủ đề đa dạng như trí tuệ nhân tạo và học máy; robot, cơ khí và tự động hóa; năng lượng và phát triển bền vững; sản xuất thông minh và công nghiệp 4.0; truyền thông vô tuyến, IoT và ứng dụng; giáo dục thông minh và thành phố thông minh.
Trình bày tham luận về ứng dụng Hydrogen sẽ thay thế nhiên liệu xăng dầu trong tương lai, GS. TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Một trong những nhiên liệu thay thế năng lượng truyền thống, năng lượng hóa dầu là hydrogen. Theo dự đoán, đến năm 2050, xe chạy bằng hydro sẽ cạnh tranh với thị trường ô tô và xe điện, sau đó chúng có thể thống trị khi nền kinh tế hydro được thiết lập, bởi lượng phát thải của loại xe điện sử dụng pin nhiên liệu hydro thấp hơn so với xe điện chạy pin. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nan giải vì sản xuất và phân phối hydro vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, điều này gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu ổn định và đáng tin cậy. Việc tăng tính khả dụng của nhiên liệu hydro sẽ đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và phân phối".
Vì vậy, việc mở rộng cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu hydro là cần thiết để hỗ trợ việc áp dụng rộng rãi loại xe điện sử dụng pin nhiên liệu hydro. "Loại xe này cần có mạng lưới các trạm tiếp nhiên liệu hydro nhưng hiện đang bị hạn chế về số lượng và phân bố địa lý", GS. TSKH. Bùi Văn Ga cho biết thêm.
Trình bày bài tham luận trực tuyến với tựa đề "Điều khiển an toàn cho robots cộng tác dựa trên bản sao số và học máy", PGS. TS. Văn Miên cho biết, hiện nay robot đã được áp dụng cho nhiều lĩnh vực thiết yếu như sản xuất thông minh, nông nghiệp và giám sát môi trường biển và nhiều ứng dụng khác. Để tăng hiệu quả làm việc của robot cho các ứng dụng ở trên, khái niệm về robot cộng tác (collaborative multiple robots) và tương tác với con người (human-robot interaction) đã được phát triển rộng rãi. Tuy nhiên, robot làm việc trong môi trường không chắc chắn và nhiễu sẽ bị nhiều tác động làm sai lệch khả năng làm việc của robot. Điều này sẽ làm sự an toàn của robot bị giảm sâu. Thêm vào đó, khi robot hoạt động, nó sẽ bị ràng buộc bởi sự hạn chế của đầu vào và đầu ra và ràng buộc về các tiêu chuẩn an toàn.
PGS. TS. Văn Miên cũng cung cấp những sáng kiến mới trong việc thiết kế, ứng dụng và phát triển kỹ thuật bản sao số (digital twins) và học máy (learning) cho điều khiển an toàn cho robot khi nó bị ràng buộc về tiêu chuẩn an toàn (safety critical control) để nâng cao sự tương tác và an toàn của robots; ứng dụng cho con người và robot cộng tác, robot di chuyển và nhiều robot tương tác sẽ được trao đổi.
Tại Hội thảo STAIS 2024, rất nhiều bài báo của các nhóm nghiên cứu và nhà khoa học chuyên sâu về các xu hướng phát triển của công nghệ thông minh lĩnh vực GTVT như: Kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, xây dựng và quản lý công trình, logistics, vận tải đa phương thức, cảng biển và hàng hải, năng lượng, môi trường, cùng với nhiều chủ đề khác ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.