Trường ĐH GTVT:Đẩy mạnh liên kết đào tạo điểm tựa nâng cao chất lượng

Tác giả: Hoàng Hà

saosaosaosaosao
17/12/2018 08:50

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi trường đại học. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua Trường Đại học GTVT luôn xác định mục tiêu hướng tới mô hình đại học đa ngành về kỹ thuật, công nghệ và kinh tế, trở thành trường đại học trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ngang bằng trong khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành GTVT và đất nước, là trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín về GTVT.

 

IMG_2823
 

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhiều năm qua, Trường Đại học GTVT đã liên kết, hợp tác về trao đổi sinh viên, đào tạo quốc tế bậc đại học (3+1, 2+3) và bậc cao học (1+1) với các trường đại học ở Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện nay, số lượng đối tác của Trường nhiều nhất là ở Pháp (20 đối tác), Anh (01 đối tác), Mỹ (01 đối tác), Đức (3 đối tác), Nhật (5 đối tác), Trung Quốc (01 đối tác), Nga (5 đối tác); Hungary (02 đối tác). Bên cạnh đó, Nhà trường đã đón nhận khoảng 20 sinh viên đến từ các nước như Pháp, Đức sang thực hiện chương trình trao đổi sinh viên. Ngoài ra, một số giảng viên thường xuyên có những chuyến đi trao đổi giao lưu học thuật với các trường tại Pháp.

Chỉ tính riêng năm 2017 và 2018, Trường Đại học GTVT đã ký kết chương trình đào tạo đại học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (2+3) với Trường Caen (Pháp); ký kết hợp tác đào tạo chương trình đại học (3+1) ngành Kinh doanh quốc tế, Chương trình cao học (1+1) ngành Quản trị quốc tế (với 02 chuyên ngành Logistics và Quản lý cảng, chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng). Đặc biệt năm 2018, Trường đã ký kết hợp tác đào tạo chương trình liên kết Quản lý xây dựng (3+1) với Trường Đại học Bedfordshire của Anh Quốc.

Bên cạnh đó, Trường Đại học GTVT còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác của Nhật Bản (Trường Đại học Nagasaki, Công ty Helte, Công ty Pasona Tech, Công ty Nissan Techno, Công ty ICO Group…) thực hiện các chương trình đào tạo tiếng Nhật miễn phí, đào tạo kỹ thuật cơ bản để làm việc cho các công ty tại Nhật Bản và Việt Nam.

Với mục tiêu nhanh chóng tiếp cận, cải tiến nội dung chương trình đào tạo, phương thức đào tạo theo hướng hiện đại tự chủ, Nhà trường đã đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và từng bước áp dụng công nghệ giáo dục 4.0. Nhà trường đã duy trì quan hệ hợp tác với 50 đối tác quốc tế, điển hình như Trường Đại học MIIT, Đại học MADI (CHLB Nga), Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc), Đại học Darmstadt, Đại học Dresden, Tổ chức DAAD (Đức); các trường đại học trong khối INSA, Đại học Cầu đường Paris, Đại học Marne la Vallée, Đại học Nantes, nhóm các trường Đại học Mỏ (Pháp), Trường Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Waseda, Đại học Yokohama, Đại học Maizuru, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản… với nhiều chương trình hợp tác song phương được thực hiện.

Trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu về GTVT

GTVT_1
 

Thời gian qua, Nhà trường đã đạt được những thành tích đáng khích lệ trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ khoa học của giảng viên, chất lượng đào tạo, đồng thời khẳng định vị trí và uy tín của Nhà trường trong xã hội.

Những năm qua, Trường Đại học GTVT đã và đang tổ chức triển khai nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo quốc tế do nước ngoài tài trợ kinh phí trị giá 17,5 tỷ đồng. Những kết quả hợp tác đã được ngành GTVT ghi nhận và đánh giá cao, một số chương trình điển hình như: Phối hợp với các nhà khoa học Nga sang Việt Nam nghiên cứu về vết hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường nhựa bê tông asphalt; duy trì xuất bản Tạp chí Khoa học GTVT, mã số ISSN 2410-9088 từ năm 2009 đến nay; hợp tác giữa 3 trường: Đại Giao thông Đường bộ Matxcova (Nga), Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc) và Đại học GTVT (Việt Nam) xuất bản được 8 số với 157 bài báo khoa học bằng tiếng Anh; Đề tài: “Các phương pháp chẩn đoán hư hỏng phục vụ theo dõi tình trạng sức khỏe kết cấu công trình ở Việt Nam” tài trợ bởi VLIR-UOS, Vương quốc Bỉ trị giá 279.710€, thực hiện trong giai đoạn từ 2018 - 2021; Đề án “Nghiên cứu, thử nghiệm, xin cấp phép ban hành chỉ dẫn sử dụng phụ gia Cerechip cho bê tông nhựa” do Công ty Find Mold Hàn Quốc hỗ trợ kinh phí trị giá 789 triệu đồng; Dự án nghiên cứu “Đổi mới sáng tạo và mạng lưới người cố vấn doanh nghiệp để hỗ trợ vai trò của các trường đại học trong công nghiệp sáng tạo Việt Nam do Hội đồng Anh tài trợ kinh phí trị giá 25,875£; Dự án “Tái cấu trúc các hoạt động nghiên cứu và dự án nghiên cứu trong mối tương quan quy trình quản lý chất lượng” do AUF tài trợ kinh phí trị giá 24,852€; tiếp nhận phòng thí nghiệm do Tập đoàn Samsung hỗ trợ trị giá 40.000USD; Dự án đào tạo “Nâng cao nghiệp vụ quản lý và khai thác vận tải hành khách công cộng cho cán bộ ngành GTVT do Chính phủ Đức tài trợ kinh phí trị giá 1,5 tỷ đồng, hợp tác với Công ty Công nghệ Giao thông IVU (Đức) đã trang bị 01 phòng máy và tổ chức đào tạo 11 khóa với 116 học viên tham gia; Dự án chuyển giao chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kỹ thuật hệ thống đường sắt do Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức tài trợ kinh phí trị giá 200.000€, đang tổ chức đào tạo 02 khóa với 33 học viên.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên không ngừng cập nhật những thành tựu nghiên cứu khoa học của thế giới, thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế và trong nước tham gia đề xuất giải quyết các vấn đề thời sự cho ngành GTVT. Trong 5 năm gần đây, Trường Đại học GTVT đã tổ chức và đồng tổ chức 34 hội thảo khoa học quốc tế cấp Trường, 13 chuyên đề khoa học quốc tế, 17 khóa đào tạo quốc tế cho 645 học viên theo học.

Kết quả nghiên cứu khoa học của Trường Đại học GTVT luôn gắn bó mật thiết với đào tạo, đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng, giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra, góp phần vào sự phát triển của ngành GTVT và đất nước. Song song với đó, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trao đổi khoa học, phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế và đã thu được những thành quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường cũng như của ngành GTVT

Ý kiến của bạn

Bình luận